Vì sao các trường đại học phải tăng học phí?

- Thứ Năm, 04/01/2024, 06:37 - Chia sẻ

3 năm vừa qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người học sau dịch bệnh, các trường đại học đều không tăng học phí theo quy định của Chính phủ. Theo đại diện nhiều trường đại học, các trường đứng trước rất nhiều khó khăn, bởi mọi chi phí phục vụ cho công tác đào tạo đều tăng trong điều kiện vật giá leo thang.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 97).

Nghị định 97 điều chỉnh lộ trình học phí như sau: Giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022.

Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Theo Nghị định 97, mức trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu như Nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng trước đó là 0,98-1,43 triệu đồng. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,71-3,5 triệu đồng/tháng.

Với những cơ sở giáo dục đại học công lập đã tự chủ (tự bảo đảm chi thường xuyên/ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024. Sau 5 năm, mức trần này tăng lên 3,4-8,75 triệu đồng/tháng.

Trong 3 năm vừa qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người học trong bối cảnh dịch bệnh, các trường đại học đều không tăng học phí theo quy định của Chính phủ. Với nhiều trường đại học, khoảng thời gian chưa tăng học phí thậm chí dài hơn 3 năm. 

Vì sao các trường đại học phải tăng học phí? -0
Sinh viên một trường đại học tại Hà Nội (Ảnh: Xuân Quý)

Nguồn thu chính của các trường tự chủ phải “trông chờ” vào học phí

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh các trường đại học thực hiện tự chủ như hiện nay, nguồn thu chính vẫn phải “trông chờ” vào học phí, các nguồn thu còn lại không lớn. Đa số các trường tự chủ, học phí chiếm tới 70-80%, thậm chí lên tới 90% nguồn thu hoặc hơn. Khi Nhà nước cắt giảm phần chi thường xuyên, chi đầu tư ít, các trường thực hiện tự chủ theo lộ trình, việc tăng học phí là điều “chắc chắn cần có”.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm, nếu không tăng học phí, các trường sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Về cơ sở vật chất, các trường chỉ có thể giữ lại những cơ sở vật chất hiện tại mà không thể đầu tư mới, bổ sung thêm cơ sở vật nhất, trang thiết bị, bởi nguồn thu chỉ đủ trang trải phần lương cho cán bộ giảng viên.

Với đội ngũ thầy cô giáo, nếu mức lương quá thấp, trường đại học sẽ dần không giữ được cán bộ, thầy cô có năng lực ở lại. Đồng thời không tuyển dụng được giảng viên giỏi hay giữ sinh viên giỏi ở lại trường làm giảng viên.

“Một số sinh viên giỏi, tốt nghiệp ra doanh nghiệp bên ngoài, mức lương có thể gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí cao hơn, trong khi đó trường áp dụng lương khối hành chính sự nghiệp thì rất thấp. Các nhà trường phải tìm cách có nguồn thu nhập tăng thêm cho thầy cô giáo ngoài lương, để trang trải khó khăn cho thầy cô, giữ được người giỏi ở lại”,  PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm cho hay.

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhìn nhận, về hiện hữu, nếu không có cơ chế nâng cao thu nhập, đời sống của cán bộ, giảng viên cũng như chất lượng cơ sở vật chất, hệ thống trường đại học công lập sẽ bị “yếu đuối dần” so với hệ thống ngoài công lập, dẫn tới hiện tượng một làn sóng nguồn nhân lực của khối công lập chuyển sang khối ngoài ngoài công lập.

“Do vậy, hiện nay, việc cân đối thu chi trong các trường đại học rất khó khăn và cực kỳ căng thẳng. Không tăng nguồn thu thì thu - chi sẽ bị mất cân đối, tức là nguồn thu thấp hơn phần chi. Các nhà trường buộc phải có một lộ trình điều chỉnh học phí, cùng một số hoạt động sản xuất kinh doanh khác để làm sao cân đối thu - chi.

Thế nhưng, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay không phải đơn giản để tăng nhanh được nguồn thu, mà nguồn thu chính của trường vẫn phải trông chờ vào học phí, vì dù sao trường vẫn là đơn vị đào tạo, việc sản xuất kinh doanh sẽ chỉ có mức độ, chiếm tỷ trọng nhỏ”, ông nhấn mạnh.

Theo Nghị định 97, Nhà nước cho phép các trường tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư, tuỳ mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần so với mức trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm cho rằng, các trường cũng sẽ thực hiện tăng học phí theo một lộ trình nhất định để hài hoà với xã hội, thay vì đột ngột tăng học phí lên quá cao so với hiện nay. Với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, nhà trường sẽ dựa vào điều kiện địa phương, tình hình của ngành để quyết định mức học phí, làm sao vừa tăng nguồn thu cho trường, nhưng cũng không quá nặng nề đối với xã hội.

PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm chia sẻ thêm, khi Nhà nước cắt chi thường xuyên, việc xây dựng các cơ chế để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học lại chưa thực hiện, nên các nhà trường thực tế không đủ nguồn thu.

“Rất mong Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan sớm có cơ chế đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học theo dạng đặt hàng, giao nhiệm vụ về các mảng liên quan, từ đó mới có thể giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Bởi hiện nay, các trường ngoài nguồn đầu tư Nhà nước thì vẫn trông chờ chính vào nguồn học phí, nên buộc phải tăng học phí như vậy”, ông đề xuất.

Vì sao các trường đại học phải tăng học phí? -0
Nếu không tăng học phí, các trường sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo (Ảnh: Trần Hiệp)

Trường đại học không được tăng học phí thì “không biết làm thế nào để đủ chi”

Hiệu trưởng một trường đại học khối ngành Kinh tế tại Hà Nội chia sẻ, thực tế, đa số các trường đại học của Việt Nam hiện nay học phí vẫn chiếm một tỷ trọng cao trong nguồn thu - khoảng trên 90% thu của nhà trường.

“Tất cả các trường đều thế cả. Còn nghiên cứu khoa học và đầu tư cho những hoạt động khoa học công nghệ mà có được doanh thu về thì nói thật là rất là ít, vẫn có nhưng không nhiều trong tỷ trọng chung”, ông nói.

Theo ông, các trường buộc phải tăng học phí bởi mọi chi phí hiện nay đều tăng, từ những chi phí nhỏ như về điện nước, văn phòng phẩm, tới những chi phí như thu nhập cho giảng viên, thuê mướn chuyên gia cũng đang tăng rất cao. Chưa kể, các trường tự chủ cũng cần có những chi phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu mới hiện nay, từ mạng Internet, wifi, cơ sở dữ liệu,…

“Bây giờ các trường mà không được tăng học phí thì không biết làm thế nào để đủ chi phí”, ông nói.

Vị Hiệu trưởng nhấn mạnh, nếu không tăng học phí, những điều kiện để đảm bảo chất lượng sẽ không được đảm bảo và duy trì, việc thực hiện những mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo sẽ rất khó khăn.

Đặc biệt, các trường công lập sẽ đứng ở thế khó khi phải cạnh tranh với các trường tư thục, trường đào tạo góp vốn có yếu tố nước ngoài, các chương trình nước ngoài ở Việt Nam. Nếu không có đột phá, các trường công lập không thể cạnh tranh, mà nâng cao chất lượng đào tạo là “yêu cầu sống còn” của tất cả trường đại học.

“Đối với trường chúng tôi, năm nay có tăng học phí nhưng sẽ thực hiện theo lộ trình và thực hiện theo đề án đã cam kết với Chính phủ. Học phí dự kiến chỉ tăng nhẹ so với mức hiện nay, chưa đến mức trần”, ông cho biết.

Một số ý kiến trên các diễn đàn cho rằng các trường tăng học phí sẽ khiến nhiều sinh viên “không có tiền đi học”, theo vị Hiệu trưởng, hiện nay, song song với việc tăng học phí, các trường đại học đều có chính sách hỗ trợ cho sinh viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, như có quỹ cho sinh viên vay vốn, quỹ hỗ trợ sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có các chính sách học bổng cho sinh viên.

“Như trường chúng tôi có học bổng cho sinh viên học giỏi, sinh viên hoàn cảnh khó khăn, cùng rất nhiều học bổng của doanh nghiệp, học bổng doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ cho nhà trường. Ngoài ra, bản thân từng trường, ví dụ như trường chúng tôi cũng có quỹ học bổng để cho các em vay, sau này các em ra trường sẽ trả. Cho nên, có rất nhiều nguồn để hỗ trợ cho sinh viên học tập, chứ không phải cứ tăng học phí rồi để mặc như vậy”, vị Hiệu trưởng bộc bạch.

Theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP, mức trần học phí năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020 - 2021.

Mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như sau:

Vì sao các trường đại học phải tăng học phí? -0

Mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như sau:

Vì sao các trường đại học phải tăng học phí? -0

Học phí từ năm học 2023 - 2024 đến năm học 2026 - 2027:

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:

Vì sao các trường đại học phải tăng học phí? -0

Nguyễn Liên
#