Quản lý giao dịch liên kết:

Không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước

- Thứ Hai, 09/11/2020, 21:29 - Chia sẻ
Đây là nhấn mạnh của Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế Đặng Ngọc Minh tại cuộc họp báo giới thiệu Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết vừa được Chính phủ ký ban hành do Tổng Cục thuế tổ chức chiều 9.11.

Nghị định 132/2020/NĐ-CP nhiều điểm mới

Theo Tổng cục Thuế cho biết, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với DN có giao dịch liên kết và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, trong đó có Luật Quản lý thuế số 38, ngày 5.11.2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết trên cơ sở kế thừa những quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Quang cảnh buổi họp báo

Đối với Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của các công ty mẹ tối cao có doanh thu hợp nhất toàn cầu áp dụng theo ngưỡng chung trên thế giới là 750 triệu Euro (tương đương khoảng 18.000 tỷ đồng) đã được các nước thành viên BEPS thống nhất áp dụng trong chính sách quản lý nội địa và hướng tới cơ chế trao đổi thông tin tự động trong giai đoạn 2019 – 2020. Từ góc độ hội nhập thuế quốc tế, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về kê khai Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia phù hợp cam kết quốc tế tại các Diễn đàn BEPS mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, đối với quy định về khống chế chi phí lãi vay, ngày 24.6.2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế. Như vậy, quy định về khống chế lãi vay được trừ theo Nghị định 68 đã cơ bản khắc phục hạn chế của Nghị định 20, thực hiện hồi tố năm 2017, 2018, đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay với dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.785 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại Nghị định 20, đối tượng được loại trừ khi áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay chỉ có tổ chức tín dụng và tổ chức kinh doanh bảo hiểm. Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã mở rộng thêm đối tượng loại trừ là các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).

Một nội dung mới khác của Nghị định 132/2020/NĐ-CP là quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn BEPS của OECD.

Trong khi Nghị định 20 quy định người nộp thuế tại Việt Nam có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài có nghĩa vụ lưu trữ và cung cấp cho cơ quan thuế báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao và cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN. Nghị định 132 đã quy định mới theo thông lệ quốc tế đảm bảo phù hợp với cam kết khi tham gia diễn đàn BEPS. Đó là: báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhận được qua hình thức trao đổi thông tin tự động, nếu nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước có ký thoả thuận, người nộp thuế chỉ phải cung cấp cho cơ quan thuế trong trường hợp nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước không ký thoả thuận.

Chống chuyển lợi nhuận, góp phần ổn định vĩ mô

Theo thống kê của cơ quan thuế, số lượng DN kê khai có quan hệ liên kết tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2017 có 11.196 DN, thì năm 2018 có 11.970 và năm 2019 tăng lên 16.851 đơn vị. Mặc dù số lượng DN kê khai quan hệ liên kết có mức tăng đột biến vào năm 2019 (tăng 40% so với các năm trước) nhưng tổng số DN ở mức ổn định. Theo đó, năm 2017 là 6.604, năm 2018 là 7.788 và 2019 là 7.961 DN. Tỷ trọng DN đầu tư nước ngoài trong cả giai đoạn ổn định ở mức 83-84%, trong khi DN trong nước chỉ chiếm từ 16-17% số lượng đối tượng áp dụng của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Qua thanh kiểm tra các DN có giao dịch liên kết, trong 3 năm, cơ quan thuế đã thu nộp vào NSNN hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2017, đã thanh kiểm tra 734 DN, truy thu, truy hoàn và phạt 2.270,58 tỷ đồng; giảm lỗ 9.291,43 tỷ đồng; giảm khấu trừ 92,22 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.625,87 tỷ đồng. Trong đó thanh kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu 719,83 tỷ đồng, giảm lỗ 7.416,54 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.134,73 tỷ đồng. Năm 2018, qua thanh kiểm tra 758 DN đã nộp vào NSNN 1.908,30 tỷ đồng tiền truy thu, truy hoàn và phạt; giảm lỗ 8.558,58 tỷ đồng; giảm khấu trừ 51,88 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 10.838,47 tỷ đồng. Các kết quả này trong năm 2019 tương ứng là truy thu, truy hoàn và phạt 2.547,40 tỷ đồng; giảm lỗ 7.818,68 tỷ đồng; giảm khấu trừ 106,34 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.599,55 tỷ đồng sau khi thanh kiểm tra 818 DN.

Nghị định 132 chống chuyển giá: 8.000 doanh nghiệp nội và ngoại tiếp tục vào vòng siết chặt - Ảnh 2.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại buổi họp báo

Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện Việt Nam đã ký trên 80 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước, tại Điều 24 của các Hiệp định quy định không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, theo cam kết WTO, nguyên tắc đối xử quốc gia cấm phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong nước về thuế. Do đó việc quản lý giao dịch liên kết được thực hiện bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử giữa DN trong và ngoài nước.

“Đối với DN, kể cả không có chênh lệch lãi suất cũng có hoạt động chuyển giá. Ngoài ra, các DN Việt Nam có vốn mỏng, do đó ngoài mục tiêu thứ nhất là chống chuyển lợi nhuận thì Nghị định 132 còn có mục tiêu sâu xa hơn là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tránh gây hậu quả lâu dài cho nền kinh tế do sử dụng vốn mỏng” – ông Đặng Ngọc Minh cho biết thêm.

Song Hà