Hôm nay, khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020:

Không dừng, không nghỉ, không chùng xuống, mà ngày càng quyết liệt, hiệu quả hơn

- Thứ Bảy, 12/12/2020, 07:19 - Chia sẻ
Sáng nay, 12.12, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 khai mạc tại Hà Nội. Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng của cả nhiệm kỳ Đại hội XII và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 2.2013) đến nay.

Không “chìm xuồng”, không bỏ lọt tội phạm

Với sự tham dự của gần 700 đại biểu tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội và gần 5.000 đại biểu tại 82 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quân khu, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, bộ tư lệnh và tương đương trong Quân đội, đây có lẽ là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tổng kết về công tác phòng, chống tham nhũng - chủ đề luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, theo dõi, chờ đợi.

Vậy sau 8 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện như thế nào? Kết quả nào là nổi bật nhất? Đầu nhiệm kỳ “lò” chống tham nhũng rất “nóng” như thế, thì sắp tới có tiếp tục “nóng” hay không?... Hàng loạt câu hỏi được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm đặt ra.

Và để trả lời cho câu hỏi này, thực tiễn cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, phát huy được sức mạnh tổng hợp, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Không dừng ở khẩu hiệu, hay hô hào chung chung, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đi vào thực chất, thể hiện rõ quan điểm “nói đi đôi với làm” thông qua việc thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hãy nhìn vào một kết quả cụ thể, đó là công tác điều tra xử lý án tham nhũng - được đánh giá là một “điểm sáng” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua, để hình dung rõ hơn nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước với cuộc chiến không khoan nhượng này. Thực tế cho thấy, việc điều tra, xử lý nghiêm minh triệt để hành vi tham nhũng bằng pháp luật hình sự có tác dụng răn đe rất lớn. Trong toàn bộ các khâu của tiến trình tố tụng đối với các vụ án tham nhũng, thì kết quả của giai đoạn điều tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến các khâu truy tố, xét xử tội phạm. Trong toàn bộ tiến trình này, các cơ quan tố tụng, nhất là Cơ quan điều tra đã quán triệt thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt từ đầu đến cuối phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo, đó là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đây là “kim chỉ nam'' cho hoạt động điều tra và là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần điều tra, xử lý triệt để các vụ án tham nhũng trong thời gian qua.

Từ năm 2013 đến nay, các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 1.856 vụ với 4.072 bị can phạm tội về tham nhũng; kết luận điều tra đề nghị truy tố 1.718 vụ, 4.768 bị can. Trong đó, có 120 vụ án nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Chất lượng công tác điều tra án tham nhũng có nhiều kết quả đột phá. Phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và có hiệu quả trong quá trình điều tra các vụ án. Minh chứng là cơ quan điều tra đã điều tra làm rõ một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, mà trước đó cho là có “vùng cấm, nhạy cảm”. Việc mở rộng điều tra các vụ án được thực hiện triệt để, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi của các đối tượng. Nhiều vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ tồn đọng từ nhiều năm trước được phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, “chìm xuồng” hoặc bỏ lọt tội phạm. Đáng chú ý, tất cả các vi phạm đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật dù “bất kể người đó là ai”. Và, từ kết quả điều tra, truy tố, đã xét xử các bị cáo với những mức án nghiêm khắc (trong đó có cả án chung thân và tử hình). Điển hình như Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn, Đặng Văn Hai trong vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính ALC2; Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Housing Group; Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong vụ AVG...

Thông qua việc xử lý triệt để các vi phạm, công tác thu hồi tài sản án tham nhũng được thực hiện hiệu quả hơn. Tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước. Nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt thất thoát, như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, vụ án xảy ra tại Công ty Hadico, Hà Nội... Từ việc điều tra, xử lý quyết liệt các vụ án tham nhũng ở cấp Trung ương, công tác điều tra xử lý án tham nhũng tại các địa phương ngày càng được nâng cao, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong đó, có vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do Cơ quan điều tra cấp tỉnh thụ lý và điều tra đạt kết quả tốt (vụ Công ty CNC đánh bạc do Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ điều tra)...

Nhìn tổng thể, để có được những kết quả như vậy, phải khẳng định, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, vừa khẩn trương, tích cực, vừa bài bản, chặt chẽ, nhất là sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, cụ thể, kiên quyết của Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Trưởng ban Chỉ đạo đã tạo nên bước tiến mạnh trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 24 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (3 Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Cơ chế phối hợp 5 cấp độ

Một trong những kết quả quan trọng nữa, đó là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, làm việc nghiêm túc, bài bản, trách nhiệm, khoa học, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, không bao biện, can thiệp vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ, và cũng không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Ban Chỉ đạo thực sự chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng yên tâm thực thi nhiệm vụ được giao. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thông tin về hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, “Ban Chỉ đạo không chỉ đạo về tội danh, hình phạt cụ thể mà đặt ra yêu cầu làm thế nào bảo đảm tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không được oan sai, không được nhẹ tay mà phải nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe”.

Đặc biệt, theo ông Võ Văn Dũng, một trong những điểm mới lần này, đó là “Ban Chỉ đạo đã đề ra cơ chế phối hợp 5 cấp độ để bảo đảm tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng”. Theo đó, vụ án, vụ việc nào có khó khăn, vướng mắc, thì thủ trưởng ngành đó chủ trì cuộc họp liên ngành, mời các cơ quan liên quan tham dự để trao đổi, tháo gỡ. Nếu các cơ quan vẫn chưa thống nhất, Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành để giải quyết và đây là cấp độ 1. Nếu vẫn chưa thống nhất được sẽ chuyển lên cấp độ 2 là Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp liên ngành. Trường hợp cấp độ 2 chưa giải quyết xong, thì chuyển sang cấp độ 3 là tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo họp để giải quyết. Nếu vẫn chưa thống nhất được, toàn thể Ban Chỉ đạo sẽ họp, đây là cấp độ 4. Và ở cấp này nếu vẫn chưa giải quyết được, thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của vụ án. “Đây là cơ chế 5 cấp độ”, ông Võ Văn Dũng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, còn có cơ chế phối hợp giữa các bộ, cục, vụ của cơ quan liên ngành. Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Trưởng ban Nội chính Trung ương (3 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) thường xuyên hội ý để giải quyết các vụ việc. Ban Chỉ đạo riêng về các vụ án, vụ việc cụ thể, phức tạp cũng được thành lập.

Có thể thấy, sau 8 năm thành lập Ban Chỉ đạo, nhất là kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến rất mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, đó là phòng, chống tham nhũng “đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thế không thể cưỡng lại”.

Kết quả đó cũng giải đáp cho câu hỏi, sắp tới “lò” chống tham nhũng có “nóng” tiếp hay không? Đây cũng là điều được Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta khẳng định trong cuộc họp mới đây nhất của Thường trực Ban Chỉ đạo, đó là kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua cho thấy, rõ ràng chúng ta “không chùng xuống, thậm chí còn làm quyết liệt hơn”, và “sắp tới còn phải làm mạnh hơn nữa”. Và cũng không dừng ở những khu vực kinh tế, đất đai… như vừa qua nữa, mà mở rộng ra những khu vực đã phát hiện có sai phạm, như văn hóa, giáo dục, y tế, dự án nước ngoài…, đặc biệt là “tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là quan điểm, tư tưởng, chính trị”.

Những kết quả và quyết tâm chính trị mạnh mẽ như vậy một lần nữa khẳng định rằng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ “không dừng, không nghỉ, không chùng xuống", mà ngày càng quyết liệt, bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn. Qua đó, tiếp tục tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như sự đồng tình, ủng hộ của xã hội đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thanh Tâm