Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh Vũ Kiên Cường cho biết, Nhi thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có 25 xã và 117 thôn thuộc Chương trình 135. Tuy nhiên, đến năm 2019, qua rà soát, tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn ĐBKK thuộc Chương trình 135. Trong đó, có những xã đã đạt “mục tiêu kép”, vừa hoàn thành Chương trình 135, vừa đạt chuẩn nông thôn mới trong một năm. Tiêu biểu như xã Tình Húc, xã Húc Động, huyện Bình Liêu; xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên; xã ồn Đạc, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung tay của cộng đồng, xã hội, với quyết tâm và nỗ lực của chính người dân tại địa bàn ĐBKK, biên giới, sau 4 năm thực hiện (giai đoạn 2016 – 2020), Chương trình 135, Đề án 196 và phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” đã đi vào cuộc sống, tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới, địa bàn ĐBKK, nhất là về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cải thiện và nâng cao một cách thực chất điều kiện sống của hộ nghèo, cận nghèo và người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở địa bàn ĐBKK, miền núi, biên giới của tỉnh.
Đối với đề án 2085, sau 2 năm thực hiện, tỉnh đã hỗ trợ 4.210 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vốn vay sản xuất kinh doanh, với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng. Qua thực hiện Đề án đã góp phần giải quyết căn bản việc thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và một phần nhu cầu về vốn vay phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế bền vững cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người dân ở địa bàn ĐBKK.
Phát biểu tại hội nghị, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc Võ Văn Bảy ghi nhận những nỗ lực tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, Quảng Ninh là 1 trong những địa phương trong cả nước thực hiện rất tốt Chương trình 135 với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Ông Võ Văn Bẩy mong muốn, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc thực hiện công tác dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu nhấn mạnh: Những kết quả trong giai đoạn vừa qua sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số và vùng núi của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tập trung vào nâng cấp hạ tầng cơ sở, dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa cơ sở, môi trường. Các địa phương tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng, nhân rộng các dự án, mô hình phát triển sản xuất với quy mô hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra các sản phẩm nông lâm nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, gắn với thực hiện Chương trình OCOP; củng cố, thành lập và phát triển các hợp tác xã liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp. Xác định đây là nhiệm vụ và khâu đột phá cần tập trung thực hiện để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã tặng Bằng khen cho 101 tập thể, 103 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 135, Đề án 196, Đề án 2085 và phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2020.