Chuyển hóa pháp luật ở Việt Nam, hay hiểu một cách đơn giản nhất là việc tiếp nhận, chuyển hóa các quy định, các kinh nghiệm lập pháp của nước ngoài thành các quy định pháp luật của nước ta không phải là vấn đề mới. Bởi lẽ, trên thực tế, hệ thống pháp luật nước ta đã du nhập các quy định pháp luật của nước ngoài từ khá lâu. Sớm nhất là thời lập quốc, từ năm 938 đến hết thời kỳ phong kiến (thế kỷ XIX), nước ta đã tiếp nhận và bị ảnh hưởng bởi văn hóa, pháp lý và tư tưởng pháp luật của Trung Quốc. Tiếp đó, thời kỳ thực dân Pháp đô hộ (1858 – 1945), các quy định pháp luật cũng bị ảnh hưởng của pháp luật Pháp. Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ 1954 – 1986), hệ thống pháp luật nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng pháp luật của Liên Xô... Và hiện nay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, trong quy trình lập pháp ở nước ta, việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của luật pháp quốc tế đang được các cơ quan soạn thảo, cơ quan nghiên cứu, cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thực hiện khá thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng lập pháp và làm cho hệ thống pháp luật nước ta ngày càng phù hợp hơn với các thông lệ và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì, chuyển hóa luật, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài không phải là quy định bắt buộc đối với các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, thông qua luật. Luật chỉ có một quy định chung là trong hồ sơ trình dự án luật, ngoài các tài liệu cơ bản, cơ quan trình có thể gửi thêm tài liệu khác. Và, một trong những tài liệu khác khá phổ biến hiện nay là báo cáo so sánh luật nước ngoài hoặc báo cáo kinh nghiệm luật nước ngoài. Có lẽ vì thế mà, việc chuyển hóa luật, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài vừa qua vẫn còn khá tản mạn, chất lượng chưa cao và chưa có một quan điểm nhất quán về vấn đề này. Cách hiểu về chuyển hóa luật ở nước ta hiện nay cũng rất khác nhau.
Theo Gs.Ts Helen Xanthaki, Viện Nghiên cứu pháp luật cao cấp, Anh, chuyển hóa luật ở châu Âu có hai cấp độ: chuyển hóa giữa các nền tài phán (tức là từ một nước châu Âu này sang một nước châu Âu khác) và chuyển hóa theo chiều dọc (từ Liên minh châu Âu xuống các quốc gia thành viên của Liên minh). Trong bối cảnh có sự đa dạng về hệ thống luật pháp, ngôn ngữ pháp lý, tư duy pháp lý và văn hóa tại châu Âu, sự thành công và khối lượng các luật được chuyển hóa ở châu Âu chứng tỏ tính hữu dụng của chuyển hóa luật như là một công cụ cho cải cách pháp luật. Mục đích của việc chuyển hóa luật là nhằm hài hòa hóa pháp luật, cải cách pháp luật, thúc đẩy những chuyển biến về kinh tế – xã hội, tìm kiếm các giải pháp đối với những vấn đề cụ thể của luật trong nước, xóa đi những khác biệt giữa các hệ thống luật pháp ở những khu vực xung đột, hoặc tìm kiếm những góc nhìn mới đối với luật trong nước. Có nhiều cách thức chuyển hóa luật khác nhau và các nhà soạn thảo luật, tùy theo yêu cầu, mục đích cụ thể, có thể áp dụng chuyển hóa giải pháp chính sách hoặc chuyển hóa khái niệm hoặc chuyển hóa toàn bộ văn bản pháp luật. Gs.Ts Helen Xanthaki cũng cho rằng, các nước lựa chọn chuyển hóa giải pháp chính sách, khái niệm, thuật ngữ đều có thể lựa chọn từ những hệ thống pháp luật khác, từ các nước láng giềng, hoặc xa hơn. Tiêu chuẩn của sự tương thích với hệ thống pháp luật trong nước là khả năng áp dụng. Tuy nhiên, thông thường, các nhóm soạn thảo luật ở châu Âu có xu hướng hướng tới những quốc gia mà hệ thống luật pháp, ngôn ngữ và truyền thống pháp lý quen thuộc với họ, chủ yếu như một cách thức đánh giá mức độ hài hòa của những giải pháp đã được lựa chọn so với thực tiễn quốc tế.
Theo Ts Vũ Công Giao, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực tế cho thấy, chuyển hóa pháp luật ở nước ta có khá nhiều nét tương đồng với chuyển hóa luật ở các nước châu Âu. Sự khác biệt căn bản là, các nhà soạn thảo, các nhà lập pháp của Việt Nam có sự cởi mở hơn trong việc nghiên cứu, tiếp nhận kinh nghiệm và các quy định pháp luật của nước ngoài. Đó có thể là kinh nghiệm, hệ thống pháp luật của các nước láng giềng, có truyền thống pháp luật và văn hóa pháp luật rất tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc; cũng có thể là những hệ thống pháp luật rất khác biệt với truyền thống lập pháp của Việt Nam như các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Đức... Thậm chí, trong nhiều trường hợp, các nhà soạn thảo, các nhà lập pháp Việt Nam có xu hướng nghiêng về tham khảo, tiếp nhận, chuyển hóa pháp luật của các nước phương Tây nhiều hơn. Điều này, theo Ts Vũ Công Giao, bên cạnh mặt tích cực là tiếp thu, chuyển hóa được quy định pháp luật tiên tiến nhưng cũng có mặt hạn chế là có những khái niệm, những quy định sau khi được chuyển hóa vào luật Việt Nam thì việc thực thi vô cùng khó khăn do khái niệm mới, do có sự chênh lệch về nhận thức, văn hóa, pháp luật...
Cùng quan điểm trên đây, Gs.Ts Trần Ngọc Đường cũng nêu rõ, về cơ bản, các kinh nghiệm điều chỉnh bằng pháp luật của các nước tiên tiến đều được Việt Nam tham khảo, kế thừa phù hợp với điều kiện cụ thể trong nước, nhất là kinh nghiệm điều chỉnh bằng pháp luật trong các lĩnh vực mà từ trước đến nay ở Việt Nam chưa có pháp luật điều chỉnh. Đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế như: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ... Song thực tế áp dụng luật ở nước ta đã và đang đặt ra một số vấn đề mà ngay cả châu Âu – nơi có truyền thống và rất nhiều kinh nghiệm về chuyển hóa luật cũng đang gặp phải, đó là: nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật của nước ngoài như thế nào để có thể tiếp nhận cho đúng, cho phù hợp và khả thi?
Trả lời câu hỏi này, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nêu rõ: nhu cầu tham khảo, tiếp nhận kinh nghiệm luật pháp nước ngoài trong quá trình lập pháp của nước ta là có thực và cần thiết. Việc tiếp nhận pháp luật có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau: bằng sự chủ động của các nhà lập pháp, các cơ quan có thẩm quyền hoặc bằng việc nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký. Sự du nhập của luật pháp quốc tế vào hệ thống pháp luật của nước ta còn xuất phát từ nhu cầu nội tại của quá trình cải cách, đổi mới thể chế và xuất phát từ lợi ích của chính Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế không phải là nhằm làm cho luật của Việt Nam giống với luật của nước A hay nước B. Vấn đề cốt lõi trong quá trình chuyển hóa luật là phải bảo đảm các quy định đó khi vào hệ thống pháp luật của Việt Nam thì hoàn toàn phù hợp, khả thi và giải quyết được các vấn đề của Việt Nam. Lưu ý này được các đại biểu tham dự Hội thảo nhấn mạnh nhiều lần, bởi lẽ, thực tế đã có không ít trường hợp, các quy định pháp luật ở nước ta được thiết kế dựa trên các quy định của pháp luật nước ngoài nhưng khi triển khai thực hiện thì vô cùng khó khăn. Tình trạng nhiều văn bản pháp luật bị sửa đổi, bổ sung liên tục, hoặc không ít quy định kém hiệu lực cũng có một phần nguyên nhân từ việc các quy định này được du nhập từ hệ thống pháp luật của nước ngoài, quá mới mẻ hoặc không phù hợp với đòi hỏi của thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Sẽ rất tốt nếu trong thực tế, bên cạnh các loại tài liệu mà Luật Ban hành văn bản pháp luật yêu cầu, cơ quan soạn thảo có thể chuẩn bị một báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, cần tránh ứng xử với pháp luật hoặc kinh nghiệm lập pháp quốc tế theo kiểu: pháp luật, kinh nghiệm nào giống với quan điểm của cơ quan soạn thảo luật thì phân tích, làm đậm lên, còn pháp luật, kinh nghiệm nào khác với quan điểm của cơ quan soạn thảo thì chỉ đề cập một cách mờ nhạt hoặc thậm chí không đề cập đến. Điều này có thể làm sai lệch cách nhìn nhận về những kinh nghiệm lập pháp đã được các nước tổng kết, đúc rút và nguy hại hơn, có nguy cơ làm chệch hướng quy định pháp luật trong nước... Để khắc phục tình trạng này, Phó viện trưởng Nguyễn Văn Cương đề nghị, nên thiết lập quy trình chuyển hóa pháp luật với tư cách là một quá trình ra quyết định dựa trên bằng chứng thực tiễn, bảo đảm mọi quyết định đưa ra là quyết định có đầy đủ thông tin. Trong quá trình đó, nếu chứng minh được, chúng ta đang gặp vấn đề tương tự như các nước đã từng gặp phải và quốc tế đã có kinh nghiệm xử lý, thì việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xem xét nội luật hóa pháp luật nước ngoài là rất đáng thực hiện.
Tiếp nhận, chuyển hóa luật pháp quốc tế và các kinh nghiệm lập pháp của các nước là nhu cầu nội tại, xuất phát từ chính lợi ích của đất nước. Tuy nhiên, một nguyên tắc cần phải tuân thủ là: các quy định, các kinh nghiệm được nghiên cứu, tiếp nhận phải phù hợp với thực tế của Việt Nam và giải quyết được các vấn đề của Việt Nam, không phải là cố du nhập những kinh nghiệm thật hay, thật tiến bộ để cho ra đời những văn bản pháp luật đọc lên thì rất hay, rất đẹp, rất tiến bộ nhưng tác dụng trong thực tế lại rất hạn chế, thậm chí là hoàn toàn không có tác dụng.