Trong đó tập trung vào các cơ chế như: Tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mà phát hiện có nguồn tiền, tài sản kê khai không trung thực và không giải trình được nguồn gốc; tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự trong quá trình kiểm soát các giao dịch đáng ngờ mà phát hiện giao dịch của cá nhân thuộc danh sách đen hoặc có căn cứ liên quan đến tội phạm; tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Thực tiễn đấu tranh tội phạm tham nhũng - kinh tế cho thấy, một trong những thách thức chính là việc xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội. Hiện, biện pháp tịch thu tài sản được thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự, theo đó phải chờ đến khi có bản án, quyết định của tòa án. Điều này sẽ khó tránh khỏi việc thất thoát tiền, tài sản do người phạm tội đã che giấu, tẩu tán hoặc rửa tiền.
Liên quan đến vấn đề này Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế. Trong đó, có Khuyến nghị số 4 của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét áp dụng các biện pháp cho phép các tài sản hoặc công cụ có liên quan tới tội phạm bị tịch thu mà không cần phải có bản án hình sự; yêu cầu người phạm tội phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản. Ngoài ra Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng khuyến nghị các quốc gia “xem xét tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố người vi phạm vì họ chết, lẩn trốn, vắng mặt, hoặc trong trường hợp thích hợp khác”.
Báo cáo Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản và đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng của Bộ Tư pháp trình Chính phủ đã tập trung đánh giá về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội của một số quốc gia; pháp luật Việt Nam về tịch thu tài sản, nghĩa vụ chứng minh và các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế trong hoạt động tố tụng, thi hành án cũng như thực tiễn công tác thu hồi tài sản; khả năng áp dụng này tại Việt Nam.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là một cơ chế hiệu quả được nhiều quốc gia áp dụng với nhiều cách thức, biện pháp khác nhau với điều kiện, trình tự, thủ tục rõ ràng. Chẳng hạn, từ năm 2002 Australia đã ban hành đạo luật Tài sản phạm tội trong đó quy định cơ chế tịch thu dân sự và tịch thu tài sản không giải thích được nguồn gốc (không cần chứng minh tội phạm nguồn). Hay, Bộ luật Hình sự, Luật Hải quan (năm 1990) của Mỹ quy định tịch thu hành chính đối với tiền không xác minh được nguồn gốc hợp pháp...
Tuy nhiên, tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là biện pháp phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến một số quyền con người, quyền công dân; liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức… Điều này không chỉ dừng lại ở việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành; mà còn cần sự đồng bộ với các cơ chế, thiết chế khác như kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát giao dịch, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, phòng, chống rửa tiền.