Không chỉ lo giữ chân cán bộ y tế!

- Chủ Nhật, 19/12/2021, 06:28 - Chia sẻ

Trước tình trạng không ít cán bộ y tế nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp phù hợp để khắc phục kịp thời. Với tầm quan trọng của y tế cơ sở, vấn đề đặt ra không chỉ là giữ chân cán bộ mà phải thu hút được người giỏi, người tài cho tuyến này.

TP. Hồ Chí Minh là điểm nóng nhất khi 10 tháng năm nay có gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, tăng mạnh so với con số 597 trường hợp của năm 2020. Những người xin nghỉ việc chủ yếu công tác ở trạm y tế và lý do phổ biến nhất là hoàn cảnh gia đình, yếu tố cá nhân…

“Hoàn cảnh gia đình” hay “yếu tố cá nhân” có lẽ chỉ là cách nói giảm, nói tránh. Nguyên nhân thực sự và dễ nhìn thấy như Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chỉ ra khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 của HĐND thành phố, đó là nhân viên y tế kiệt sức sau nhiều tháng chống dịch nhưng mức thu nhập nhận được quá thấp.

Hai năm qua, dịch bệnh vắt kiệt sức lực của đội ngũ cán bộ y tế! Tình hình tại TP. Hồ Chí Minh càng trầm trọng hơn bởi tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 1 vạn dân chỉ đạt 2,31 - thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội, lần lượt là 7,42 và 6,06. Với nhân lực như vậy, trong điều kiện bình thường, tuyến y tế cơ sở của thành phố đã quá tải. Khi dịch bệnh bùng phát, "trăm dâu" đổ đầu y tế cơ sở, từ điều tra dịch tễ, xét nghiệm, làm giấy tờ phong tỏa cách ly, sát khuẩn, tiêm phòng, phát thuốc, theo dõi điều trị…, càng khiến họ kiệt sức!

Không chỉ đối diện với áp lực quá tải công việc, nhân viên y tế cơ sở còn nặng gánh lo cơm áo gạo tiền khi đồng lương quá thấp. Lương của một bác sĩ ở trạm y tế khoảng dăm bảy triệu đồng/tháng; lương điều dưỡng, y sĩ thấp hơn. Đã vậy, cánh cửa nâng cao tay nghề của họ rất hẹp, bởi theo quy định, y sĩ muốn học chuyên tu lên bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề y sĩ; nhưng phải làm việc ở bệnh viện, có giường bệnh thì mới được cấp chứng chỉ này…

Củng cố năng lực y tế cơ sở là việc cần thiết và cấp bách bởi tuyến này có vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, giúp giảm tải cho tuyến trên và là lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh. Vì thế, vấn đề đặt ra không chỉ là giữ chân nhân viên y tế cơ sở hiện có mà còn phải thu hút được nhân lực trình độ cao cho tuyến này. Tại Nghị quyết 42/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV cũng đã yêu cầu Chính phủ ban hành cơ chế tài chính và chính sách cán bộ phù hợp, tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Bộ Y tế hoàn toàn có thể “tham khảo” các giải pháp ngành y tế TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia đề xuất như: hỗ trợ thu nhập; tăng biên chế, điều chỉnh biên chế trạm y tế dựa trên quy mô dân số thay vì theo địa giới hành chính; bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì tới thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng; xem xét cấp chứng chỉ hành nghề cho các y sĩ tại các trạm y tế để họ có điều kiện học nâng cao tay nghề… Cần có chính sách áp dụng thống nhất trên cả nước mới giúp nâng cao năng lực y tế cơ sở một cách thực chất và bền vững, đồng thời tránh tình trạng khi có dịch bệnh thì tăng tuyển dụng, đãi ngộ, hết dịch lại cắt giảm biên chế… Bài toán này Bộ Y tế phải sớm có lời giải để tham mưu cho Chính phủ.

Trước mắt, trong bối cảnh cả nước đang “sống chung” với Covid-19 và dịch bệnh diễn biến phức tạp trên khắp cả nước, Bộ Y tế cần giảm tải cho hệ thống y tế công nói chung, cho nhân viên y tế cơ sở nói riêng bằng việc huy động y tế tư nhân tham gia chống dịch. Năng lực chuyên môn và cơ sở vật chất của y tế tư nhân đã được tăng cường đáng kể trong thời gian qua. Họ không thể đứng ngoài cuộc chiến với Covid-19, nhưng cũng không thể huy động họ vào cuộc điều trị cho các F0 chỉ bằng những văn bản kêu gọi chung chung mà phải có cơ chế tài chính phù hợp.

Hà Lan