Phát biểu đề dẫn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, nhiều năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, từ Đề cương về văn hóa năm 1943 đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức năm 1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" tiếp tục khẳng định: Phát triển văn học nghệ thuật là một trong các nhiệm vụ then chốt.
Năm 2021, Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam.
"Những nhà văn trẻ sớm đặt ra cho mình nguồn cảm ứng để sáng tạo những tác phẩm văn học xứng tầm, cần suy ngẫm để nâng cao năng lực, hiểu biết về lĩnh vực cần sự tinh tế này, từ đó có các nhìn nhận, ứng xử đúng với các tác giả, tác phẩm khơi dậy sức sáng tạo của những người cầm bút trên tinh thần “Tự do sáng tạo là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn học”. Sự sáng tạo văn học không chỉ là vinh dự mà là trọng trách lớn. Bởi đích đến, đường đi của người viết trẻ, không chỉ viết cho mình, phục vụ bản thân. Viết để phục vụ sứ mệnh của Đảng, của đất nước, của dân tộc, ông Trần Hướng Dương khẳng định.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các tác giả trẻ đã làm rõ một số vấn đề về công tác nâng cao năng lực sáng tác trẻ, đề xuất những giải pháp, nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước, các Hội chuyên ngành về văn học trong việc phát triển văn học trẻ.
PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong thực tiễn đào tạo, để phát triển văn học trẻ, bên cạnh mô hình đào tạo viết văn trong những trường chuyên nghiệp thì việc khuyến khích và đào tạo viết văn ở những trường đa ngành là hoàn toàn khả thi.
Các nhà văn trẻ đồng thuận, cần một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học hiện nay nhằm tuyên truyền, giáo dục giúp quảng bá hình ảnh hoặc truyền thống của địa phương, đơn vị, nơi tổ chức cuộc thi; kích thích người viết để họ có sân chơi riêng cho mình và thúc đẩy cống hiến.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần đổi mới về nội dung, phương thức, định hướng sáng tác, để nâng cao chất lượng sáng tác trẻ thực sự thẩm thấu đến với người viết trẻ, được công chúng, bạn đọc đón nhận, thực sự tạo ra cơ sở hình thành những giá trị trong nền văn chương nước nhà.
Theo Ban tổ chức, những ý kiến góp ý, gợi mở tại hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý nhằm tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng sáng tác trẻ, đồng thời cũng là cơ sở để Cục Nghệ thuật biểu diễn, Ban Nhà văn trẻ xây dựng những giải pháp đề xuất Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà văn Việt Nam nâng cao chất lượng sáng tác trẻ trong thời gian tới.