Huyện Thanh Trì, Hà Nội

Khơi dậy khát vọng, hướng đến đô thị xanh, hiện đại

- Thứ Tư, 24/03/2021, 05:42 - Chia sẻ
Quá trình phát triển lên quận, huyện Thanh Trì cần tập trung xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Phát triển đô thị phải gắn với kinh tế đô thị, tránh tình trạng những đô thị long lanh, nhiều nhà chọc trời nhưng thu nhập bình quân/người lại thấp. Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Huyện ủy Thanh Trì mới đây.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu lên quận vào năm 2023

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường cho biết: năm 2020, huyện Thanh Trì đã tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; đồng thời, tập trung thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2020 đạt 149,6% so với kế hoạch được giao, đứng thứ 4 trong tổng số 30 quận, huyện và đứng thứ 2 trong khối các huyện ngoại thành của Hà Nội. Trong quý I.2021, huyện tiếp tục tổ chức các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Huyện cũng hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng 28 dự án, khởi công mới 14 dự án; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao nhận quân, với 166 tân binh về các đơn vị quân đội, công an...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ kết luận tại buổi làm việc

Đối với nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao gắn với thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, Chủ tịch UBND huyện cho biết: đến nay, huyện có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí và 14/15 xã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM nâng cao. Đối với các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Còn đối với các tiêu chí xã lên phường, đến nay, Thanh Trì có 8/18 tiêu chí đạt, 10 tiêu chí chưa đạt…

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường, huyện đang tập trung nguồn lực hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận vào năm 2023. Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng thu ngân sách bình quân 12 - 14% trong hai năm 2021 - 2022; đến năm 2023, đạt tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách 99,8%, cơ bản đáp ứng tiêu chí của quận… 

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường kiến nghị, TP Hà Nội sớm sửa đổi Quyết định 41/2016/QĐ-UBND theo hướng phân cấp cho huyện quản lý và đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị cấp khu vực hoặc các tuyến đường giao thông tại các vùng quy hoạch phát triển đô thị nằm trong địa giới hành chính của huyện, có mặt cắt ngang dưới 25m. Phân cấp cho huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất và các khoản thuế phát sinh trên địa bàn; sớm di dời Bệnh viện 09 và có kế hoạch tiếp tục di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn (Nhà máy Pin Văn Điển, Nhà máy Phân lân Văn Điển…). Bên cạnh đó, có cơ chế đặc thù hỗ trợ nguồn lực cho huyện để triển khai đầu tư xây dựng các dự án thực hiện Đề án phát triển thành quận thuộc nhiệm vụ chi của huyện, nhất là các dự án hạ tầng giao thông… 

Thống nhất với những kiến nghị, đề xuất của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng: bên cạnh sự quan tâm, điều tiết cơ cấu thu ngân sách của thành phố, huyện cần phát huy nội lực của mình bằng cách hỗ trợ, tạo điều kiện để 10 nghìn hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn có thể phát triển lên thành doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành liên quan của thành phố cần quan tâm, hỗ trợ huyện; tăng cường phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho huyện...

Phát triển đô thị phải gắn với kinh tế đô thị

Đánh giá cao tinh thần, khát vọng vươn lên của huyện Thanh Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Vương Đình Huệ ghi nhận: một vài năm trở lại đây, huyện Thanh Trì đã có sự khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, để đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới, huyện cần rà soát toàn bộ tiềm năng, lợi thế. Trong đó, có vị trí địa lý, nguồn lực đất đai (hơn 62km2), tiềm lực về con người (khoảng 280 nghìn dân), tiềm năng về văn hóa, các làng nghề truyền thống... Cùng với đó, cần phân tích kỹ những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển lên quận, như: Đội ngũ cán bộ; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn; xuất phát điểm cũng còn thấp (tỷ lệ đô thị hóa mới trên 20%)...

Đặc biệt, huyện cần bám sát Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác toàn khóa của thành phố để cập nhật, sửa đổi, bổ sung vào chiến lược phát triển. Trên cơ sở đó, quá trình thực hiện mục tiêu lên quận, Thanh Trì cần đi thẳng vào xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại và giàu đẹp. “Phát triển đô thị phải gắn với kinh tế đô thị, tránh tình trạng những đô thị long lanh, nhiều nhà chọc trời nhưng thu nhập bình quân đầu người lại thấp”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. Đồng thời, đề nghị huyện xác định phát triển thành quận phải dựa vào nội lực; hình thành phong trào khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh rộng khắp, tập trung phát triển đội ngũ doanh nghiệp và các hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược…

Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Bí thư Thành ủy đề nghị: Huyện chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, quan tâm hơn đến công tác thông tin, truyền thông để khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển. Trước mắt, huyện phải tập trung tổ chức tốt cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đối với các kiến nghị, đề xuất của huyện, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chia sẻ: thành phố đang chuẩn bị điều chỉnh một loạt quy định về đầu tư công, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, về phân cấp đầu tư... với tinh thần phân cấp mạnh hơn cho các quận, huyện, thị. 

Khánh Duy