Quốc hội Việt Nam với Năm Chủ tịch AIPA 2020

Khởi đầu cho phương thức ngoại giao nghị viện mới

- Thứ Ba, 08/09/2020, 05:32 - Chia sẻ
Kể từ Kỳ họp Đại hội đồng đầu tiên, tháng 9.1978, tại Singapore, tới nay AIPA đã tổ chức được 40 kỳ họp Đại hội đồng và kỳ thứ 41 sẽ khai mạc hôm nay, 8.9, tại Hà Nội, đánh dấu việc lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm đương trọng trách Chủ tịch. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, với những sáng kiến mới đóng góp cho AIPA, Quốc hội nước ta tiếp tục tiên phong khởi đầu cho cả khối ASEAN phương thức hoạt động ngoại giao nghị viện mới - ngoại giao trực tuyến, ứng dụng mạnh mẽ và sáng tạo thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.

Chủ động đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực

Trong số trên 30 nghị quyết về các lĩnh vực khác nhau được thông qua tại Phiên toàn thể Đại hội đồng AIPO 23, Quốc hội ta đã đưa ra 18 dự thảo Nghị quyết và đồng bảo trợ một số nghị quyết khác. Một đóng góp khá chuyên nghiệp nữa của chúng ta tại Đại hội đồng kỳ này là ngoài xây dựng toàn văn Thông cáo chung của Đại hội đồng (26 trang), lần đầu tiên chúng ta đưa thêm bản tóm tắt những điểm cơ bản, cốt lõi của các nghị quyết thành một văn bản rút gọn (3 trang) để các đại biểu tiện theo dõi quá trình thực thi các nghị quyết. Sáng kiến này được các đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ.

Một sự trùng hợp rất có ý nghĩa là năm 2002, khi Đại hội đồng AIPO tổ chức tại Việt Nam, cũng là năm kỷ niệm 25 năm thành lập AIPO. Quốc hội nước ta đã chủ trì tiến hành thêm một phiên họp toàn thể đặc biệt kỷ niệm sự kiện trọng đại này cùng với đó là chương trình văn nghệ chào mừng được tổ chức tại Hà Nội trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPO 23.

Một đóng góp quan trọng khác của Quốc hội nước ta cho hoạt động của AIPO là tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa ASEAN và AIPO, giữa Ban Thư ký ASEAN với Ban Thư ký thường trực AIPO. Quá trình này được khởi đầu bằng chuyến thăm, làm việc năm 2002 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nước ta đồng thời là Tổng Thư ký AIPO Vũ Mão tại Ban Thư ký ASEAN, Ban Thư ký Thường trực AIPO và Ban Thư ký Quốc hội Indonesia - chủ nhà của trụ sở hai Ban Thư ký. Cũng từ Đại hội đồng AIPO 23 Hà Nội, hình thành cơ chế hợp tác thường xuyên, gắn kết và thực chất hơn giữa AIPO và Ban Thư ký ASEAN, với việc Tổng Thư ký hoặc Phó Tổng thư ký ASEAN tham dự và phát biểu tại các kỳ họp Đại hội đồng. Trước đây cơ chế này chưa được quan tâm thích đáng nên sự gắn kết giữa ASEAN và AIPO còn khá lỏng lẻo.

Việc nâng cao năng lực cho hoạt động của Ban Thư ký thường trực AIPO tại Indonesia được Quốc hội nước ta thực sự quan tâm sâu sát. Thời kỳ đó, Điều lệ quy định Tổng Thư ký AIPO là do nước Chủ tịch AIPO đảm nhiệm cùng nhiệm kỳ với Chủ tịch. (Sau này AIPA quyết định xây dựng một Ban Thư ký chuyên nghiệp hơn với Tổng Thư ký được Đại hội đồng bổ nhiệm từ đại diện của các quốc gia thành viên có nhiệm kỳ 3 năm). Năm 2019, tại Đại hội đồng lần thứ 39, Bangkok, Thái Lan, lần đầu tiên đại diện của Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Văn phòng Quốc hội Nguyễn Tường Vân được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký mới của AIPA, phụ trách Ban Thư ký thường trực tại Jakarta, Indonesia, thay Tổng Thư ký đại diện của Thái Lan kết thúc nhiệm kỳ.

Cũng năm 2002, ông Vũ Mão, với cương vị Tổng Thư ký AIPO đã có buổi gặp gỡ, làm việc rất cụ thể và thân tình với Ban Thư ký thường trực tại Jakarta, Indonesia. Toàn bộ cán bộ, nhân viên Ban Thư ký thường trực của AIPO là công dân Indonesia. Khi đó tình hình kinh tế của Indonesia cũng gặp khó khăn, lạm phát gia tăng. Theo đề nghị của tập thể Ban Thư ký thường trực và xét những đóng góp, nguyện vọng chính đáng của họ, Tổng Thư ký AIPO, thuộc thẩm quyền của mình, đã quyết định nâng mức phụ cấp cho cán bộ, nhân viên Ban Thư ký, phù hợp với từng vị trí, yêu cầu công việc. Đối với Ban Thư ký thường trực tại Jakarta, đây cũng là một sự kiện đặc biệt, vì lần đầu tiên họ nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo AIPO (là Quốc hội Việt Nam) dành cho họ. Tập thể Ban Thư ký rất phấn khởi, coi đó là sự động viên to lớn, khuyến khích họ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.

Một sự kiện nữa phải kể đến là cũng vào năm chúng ta đảm đương Chủ tịch AIPO, Quốc hội Nhật Bản đã mời đoàn Đại biểu gồm đại diện của các Nghị viện thành viên AIPO do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPO dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác giữa Nhật Bản với các nước ASEAN. Thiện chí này thể hiện Nhật Bản đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam tại ASEAN và AIPO. Chuyến thăm được tiến hành từ 27 - 31.5.2002 do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn An, Chủ tịch AIPO dẫn đầu. Chuyến thăm của Đoàn Đại biểu cấp cao AIPO tại Nhật Bản tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác cởi mở của Nhật Bản với khu vực với phương châm “cùng hành động và cùng tiến lên” với các nước ASEAN trong bối cảnh Nhật Bản mong muốn thúc đẩy “quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong thế kỷ XXI” lên tầm cao mới.

Góp phần đưa AIPA trở thành cơ chế hợp tác liên nghị viện hiệu quả, thiết thực, đổi mới

Sau khi Quốc hội ta gia nhập AIPA, với quá trình tham gia đầy đủ, trách nhiệm cao và sáng tạo, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Cũng chính vì thực tế trên, trước khi gia nhập AIPA, Quốc hội các nước Lào và Campuchia đã đề nghị Quốc hội nước ta cử đoàn chuyên gia sang giúp tập huấn cho bạn. Tôi có may mắn và vinh dự được lãnh đạo Quốc hội cử tham gia đoàn công tác. Những hoạt động đối ngoại này cũng là đóng góp rất cụ thể và hữu ích của ta đối với AIPA, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó anh em giữa ba nước cùng sát cánh bên nhau hội nhập để phát triển.

Phát huy thành công của Đại hội đồng AIPO 23 tại Hà Nội, Quốc hội nước ta tiếp tục tích cực và chủ động phát huy nhiều sáng kiến đóng góp thực chất cho AIPA 31 (tháng 9.2010). Nhiệm kỳ AIPA 31 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch AIPA lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, góp phần đưa AIPA trở thành một cơ chế hợp tác liên nghị viện hiệu quả, thiết thực, đổi mới và nâng cao vị thế của tổ chức trên trường quốc tế.

Như vậy, kể từ Kỳ họp Đại hội đồng đầu tiên, tháng 9.1978 tại Singapore tới nay, AIPA đã tổ chức được 40 kỳ họp Đại hội đồng và kỳ thứ 41 sẽ khai mạc sáng nay, 8.9, tại Hà Nội, là nhiệm kỳ lần thứ ba Quốc hội nước ta đảm đương trọng trách Chủ tịch. Đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ảnh hưởng nặng nề tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Trong khi phải dành toàn lực để xử lý biết bao khó khăn trong nước, Việt Nam nói chung và Quốc hội nước ta nói riêng đã và đang triển khai thành công hàng loạt hoạt động đối ngoại quan trọng bằng hình thức trực tuyến. Với những sáng kiến mới đóng góp cho AIPA, Quốc hội Việt Nam tiếp tục tiên phong khởi đầu cho cả khối ASEAN phương thức hoạt động ngoại giao nghị viện mới - ngoại giao trực tuyến, ứng dụng mạnh mẽ và sáng tạo thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.

Đại sứ Ngô Anh Dũng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Khóa X, XI, XII

Anh Phương ghi