Khó khăn lớn nhất ngành công nghiệp chip bán dẫn của Việt Nam là nguồn nhân lực

- Thứ Ba, 10/10/2023, 15:09 - Chia sẻ

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III/2023 ngày 09.10.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Đỗ Thành Long cho biết, trong Quý III, Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 văn bản (02 Nghị định; 01 Nghị quyết và 01 Chỉ thị) gồm: Nghị định số 28 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ; Nghị định số 65 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị quyết số 119 về việc chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý; Chỉ thị số 25 về phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Cũng trong Quý III, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều công tác lớn, nhiều hoạt động đối ngoại cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó là phối hợp tổ chức nhiều sự kiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; trí tuệ nhân tạo với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh bước đầu mang lại những kết quả tốt. 

Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo với Chính phủ thông tin Việt Nam đứng thứ 46/132 quốc gia/ nền kinh tế về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 27.3.

Như vậy Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022 và đứng thức 3 khu vực Đông Nam Á; duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 07 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Việt Nam cũng là một trong 03 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Tại buổi họp báo các phóng viên đã đưa ra nhiều câu hỏi tới lãnh đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Trả lời câu hỏi về việc cơ hội để Việt Nam sản xuất, phát triển chíp bán dẫn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Phú Hùng nhấn mạnh: "Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới. Tuy nhiên thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực."

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chíp bán dẫn. Sản xuất chíp bán dẫn đòi hỏi công nghệ rất cao, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để đào tạo nhân lực công nghiệp chế tạo chip bán dẫn.

Vụ trưởng Nguyễn Phú Hùng chia sẻ, sẽ có ba khâu thiết kế - chế tạo - đóng gói cho chíp bán dẫn, Việt Nam sẽ tập trung vào thiết kế nên đòi hỏi cần có nguồn nhân lực trình độ cao.

Theo ông Hùng, thời gian tới sẽ phải có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tập đoàn lớn trong nước và doanh nghiệp ngoài nước đầu tư vào các phòng thí nghiệm tại Việt Nam, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm trong các viện hoặc trường đại học có lĩnh vực này.

Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài chung tay đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương đối với các nước có thế mạnh khoa học công nghệ lĩnh vực chip bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ.

Giai đoạn tới, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 08 dự thảo văn bản (02 đề nghị xây dựng Luật; 03 Nghị định và 03 Quyết định). Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Nghị định 28 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổ chức triển khai các hiệp định, thoả thuận hợp tác song phương về Khoa học và Công nghệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt chú trọng các nước là đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên cơ sở thế mạnh của đối tác và nhu cầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác về KH,CN&ĐMST gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đã cảm ơn sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ Bộ cùng ngành Khoa học và Sáng tạo của các cơ quan thông tấn báo chí trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn thời gian tới, các các nhà báo, cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, tiếp tục thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách pháp luật, chính sách mới của ngành lan tỏa hơn nữa thông tin trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết chung của các ngành, các cấp và toàn xã hội về KH,CN&ĐMST.

Tin và Ảnh: Quốc Việt
#