Buôn bán mũ bảo hiểm kém chất lượng

Khó xử phạt

- Thứ Năm, 19/11/2020, 06:54 - Chia sẻ
Từ ngày 15.10, Nghị định số 98/2020 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực. Trong đó, có quy định mức phạt tối đa lên đến 140 triệu đồng cho hành vi bán mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Thế nhưng, thực tế việc mua bán mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn diễn ra công khai.

Nhan nhản mũ bảo hiểm không nhãn mác

Theo quy định, mũ bảo hiểm khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cụ thể, tại Điều 3, Điều 4, Thông tư liên tịch số 06/2013 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công thương - Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải quy định: Mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông phải đảm bảo các yêu cầu sau: Có cấu tạo đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

Mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn đang được bày bán công khai trên thị trường

Chất lượng mũ bảo hiểm phải tuân theo Quy chuẩn QCVN 2:2008/BKHCN. Vì thế, mũ bảo hiểm không đáp ứng ít nhất 70% các yêu cầu tại quy chuẩn được coi là mũ bảo hiểm giả. Người bán các loại mũ bảo hiểm này sẽ bị xử phạt với hành vi buôn bán hàng giả, mức phạt tối đa 140 triệu đồng.

Liên quan đến kiểu dáng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có quy định cụ thể tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN. Theo đó, trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn. Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn. Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm. Cùng với quy định trên, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP, quy định mức phạt tối đa cho hành vi bán mũ bảo hiểm giả lên đến 140 triệu đồng.

Như vậy, quy định thì đã rõ, nhưng quá trình triển khai thì vẫn không hiếm quy định chỉ tồn tại trên giấy. Ở hầu khắp các cửa hàng bán mũ bảo hiểm (từ hàng rong, đến có địa điểm bán cố định) đều rất dễ dàng tìm mua mũ bảo hiểm với giá chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng. Đặc điểm chung của những chiếc mũ này là  đủ màu sắc, thời trang, dễ lựa chọn; mỗi một quầy đều bán mũ bảo hiểm với các thương hiệu khác nhau, thậm chí nhiều mũ còn ghi thương hiệu của sản phẩm mà không có thêm bất cứ một thông tin nào khác. 

Khi được hỏi về quy định xử phạt đối với hành vi bán mũ bảo hiểm giả không đạt chất lượng, anh T - người bán mũ bảo hiểm rong khu vực Trường Chinh, Hà Nội thẳng thắn: “Tôi chưa nghe nói đến quy định này, hơn nữa bán hết chỗ mũ này cả gốc và lãi được chừng 5 triệu đồng nên nếu gặp ngành chức năng thì xác định bỏ đồ. Tuy nhiên, tôi bán ở đây khá lâu chưa bị kiểm tra”.

Xử lý tận gốc các cơ sở sản xuất

Nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp cùng Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên mới đây đã cho kết quả rất đáng lo ngại. Cụ thể, có tới 90% số mũ bảo hiểm được khảo sát không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không bảo vệ được người sử dụng từ nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông.

Thực tế, trong thời gian qua Tổng cục Đo lường chất lượng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm. Kết quả cho thấy có nhiều trường hợp trên nhãn sản phẩm có ghi đầy đủ tên công ty, địa chỉ sản xuất nhưng khi cơ quan chức năng đi thực tế khảo sát thì không đúng với thông tin khai báo, thậm chí, có trường hợp còn phát hiện ra doanh nghiệp “ma”.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ làm giảm 42% nguy cơ tử vong và giảm tới 69% các thương tích ở vùng mặt và đầu. Nếu sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng xem như tỷ lệ bảo đảm an toàn là 0%. 

Luật sư Nguyễn Thùy Trang, Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ, việc quy định xử phạt với hành vi sản xuất, bán mũ bảo hiểm giả là cần thiết. Tuy nhiên, để quy định trên được thực thi cần tăng cường xử lý tận gốc những cơ sở sản xuất mũ không đạt chất lượng. Khi những cơ sở sản xuất bị xử lý thì người bán sẽ không có nguồn hàng để nhập bán từ đây sẽ hạn chế được thực trạng bán mũ bảo hiểm giả nhan nhản như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường truyền thông nâng cao ý thức trách nhiệm để người dân ý thức được việc chọn lựa mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng. “Một trong những lý do giúp mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng vẫn còn đất sống là bởi vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thờ ơ với chính tính mạng của mình khi vẫn mua và sử dụng loại mũ này thay vì đầu tư mua một chiếc mũ bảo hiểm chuẩn", Luật sư Nguyễn Thùy Trang nhấn mạnh.

Thái Yến