Kho tư liệu về giới và phát triển

- Thứ Năm, 15/04/2021, 08:27 - Chia sẻ
Thông qua việc công bố các cuốn sách, tài liệu, công trình nghiên cứu, tập hợp sáng tác của tác giả nữ trong di sản văn chương Việt Nam... tủ sách "Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển" đem đến cái nhìn toàn diện và có hệ thống các vấn đề về giới, cũng như vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt từ xưa đến nay trên mọi phương diện.

Tiếng nói quan trọng về vấn đề phụ nữ

NXB Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt tác phẩm “Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta”. Cuốn sách không chọn các sáng tác văn chương (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch...) mà chỉ tuyển các bài viết thể hiện trực tiếp quan niệm, ý kiến, đánh giá, nhận định, thông tin... về vấn đề phụ nữ được đăng tải trên báo, từ “Phong hóa” (1932 - 1936) đến “Ngày nay” (1935 - 1940). Qua đó, phần nào cho thấy sự thay đổi trong quan niệm và cách thức tiếp cận vấn đề phụ nữ ở Việt Nam trong thập niên 1930 đầy sôi động. Để làm rõ một số đóng góp nổi bật cũng như những vấn đề trọng tâm về vấn đề phụ nữ mà Tự lực Văn đoàn đặt ra, khơi gợi sự tranh luận và tạo ảnh hưởng mạnh mẽ, nhóm biên soạn đã tách riêng những bài viết về phong trào cải cách y phục phụ nữ do Tự lực Văn đoàn và họa sĩ, nhà thiết kế Lemur Nguyễn Cát Tường khởi xướng đầu năm 1934.

Cuốn sách còn gồm các bài viết, sáng tác của thành viên Tự Lực văn đoàn liên quan đến vấn đề phụ nữ, bài phê bình của các nhà văn ngoài nhóm về các sáng tác của Tự Lực văn đoàn. Bởi hơn ở đâu hết, các sáng tác này chính là nơi thể hiện mạnh mẽ nhất, thường xuyên và bền bỉ nhất, quan điểm cần thiết phải giải phóng phụ nữ khỏi luân lý lễ giáo cổ truyền, trao cơ hội cho phụ nữ tiến bước vào xã hội hiện đại...

Tại tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách, TS. Đoàn Ánh Dương, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: “Đóng góp của Tự lực Văn đoàn trong nhận thức về vấn đề phụ nữ ở Việt Nam là hết sức đáng ghi nhận. Khi vấn đề phụ nữ bắt đầu thu hút được sự chú ý của các nhà dân tộc chủ nghĩa vào những thập niên đầu thế kỷ XX, các thảo luận mới chỉ thường xuyên đặt vấn đề phụ nữ bên cạnh dân tộc, đặt cuộc đấu tranh cho quyền phụ nữ và nữ quyền vào cùng một bình diện với đấu tranh cho nhân quyền, cho độc lập dân tộc. Từ những năm 1930, khi phụ nữ bắt đầu khẳng định được vị thế xã hội và có tiếng nói, các thảo luận dần chuyển hướng sang vấn đề giới và xã hội, các đòi hỏi về quyền phụ nữ và nữ quyền ngày càng mang tính chất của các phong trào chính trị xã hội như cách thức mà vấn đề này hiện diện trong đời sống văn hóa xã hội phương Tây”.

Cùng với sự ra đời và hoạt động thành công của các tờ báo (về/của) phụ nữ (Phụ nữ tân văn, Phụ nữ tùng san, Phụ nữ thời đàm... ở cả Nam - Trung - Bắc), Tự Lực văn đoàn đã tích cực tham gia và góp phần đáng kể tạo nên bước chuyển này. Các thảo luận trên báo chí và các sáng tác của Tự Lực văn đoàn, bởi quan niệm hiện đại và ý chí quyết tâm theo mới, là một tiếng nói quan trọng vì sự trưởng thành của phong trào phụ nữ Việt Nam.

Một số tác phẩm trong tủ sách Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển  

Ảnh: Ng. Phương 

Lấp những khuyết thiếu tư liệu

“Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta” thuộc tủ sách "Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển" do NXB Phụ nữ Việt Nam ra mắt gần đây. Tuy nhiên, theo TS. Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, nửa đầu thế kỷ, nói về nữ quyền không chỉ có Tự lực Văn đoàn, mà còn có những nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, nhà hoạt động xã hội. Dù vậy, thông tin về họ phần lớn vẫn còn chìm khuất, chỉ hiện diện trong các nghiên cứu, luận án ở đại học nước ngoài, công chúng ở Việt Nam ít biết tới.

Chẳng hạn không nhiều người biết nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa, xã hội Đạm Phương - người thành lập Nữ công học Hội, tổ chức giáo dục tư nhân đầu tiên ở Việt Nam dành cho các thiếu nữ; nữ sĩ Phan Thị Bạch Vân - người lập ra Nữ Lưu Thư Quán Gò Công, nuôi tham vọng xuất bản sách cho phụ nữ, bán với giá rẻ để nâng cao dân trí, trước hết là mở mang tri thức của phụ nữ; hay nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, Hội trưởng Hội Nữ công Đà Nẵng, có các hoạt động diễn thuyết kêu gọi phụ nữ tiến bộ...

Đầu thế kỷ XX, phong trào phụ nữ Việt Nam hình thành, phát triển và tạo được ảnh hưởng xã hội rộng lớn, thu hút sự tham gia của những người làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. TS. Đoàn Ánh Dương cho rằng, tư liệu về phong trào phụ nữ thời kỳ này khá phong phú, nhưng còn tản mạn, khuyết thiếu. Hiện nay, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các nhà nghiên cứu xây dựng tủ sách "Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển", trong đó phần Biên khảo, tư liệu đang giới thiệu từng bước. Tuy nhiên, công việc này cũng gặp những hạn chế do kinh phí và khó khăn về đội ngũ biên soạn...

Nói về tủ sách, theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam: Không chỉ giới hạn về nữ quyền, "Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển" dành cho những ai quan tâm về văn hóa, lịch sử Việt Nam, đặc biệt là phần nghiên cứu về vấn đề giới và phát triển. Trong tủ sách có 4 mảng chính: Biên khảo, tư liệu; Hợp tuyển, tinh tuyển; Nghiên cứu và Dịch thuật. Hiện nay, Tủ sách đã có một số đầu sách như “Phan Khôi - vấn đề phụ nữ ở nước ta”, “Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta”, “Một điểm tinh hoa - thơ văn Hồng Hà nữ sĩ: Bản dịch chú và phiên âm đầy đủ nhất các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm”...

Sắp tới, NXB Phụ nữ Việt Nam sẽ cho ra mắt các tác phẩm thuộc 2 mảng Nghiên cứu và Dịch thuật. “Mong rằng, các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ đóng góp các công trình về giới, để xuất bản tại Việt Nam. Chúng tôi cũng kỳ vọng xuất bản tác phẩm về giới ra nước ngoài. Bên cạnh đó, giới thiệu các tác phẩm về phong trào nữ quyền trên thế giới, như “Bí ẩn nữ tính”, “Nữ quyền luận cho tất cả”... Với tủ sách này, nhà xuất bản mong muốn đem đến cái nhìn toàn diện và có hệ thống về các vấn đề giới và phát triển; vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay trên mọi phương diện chính trị - văn hóa - xã hội - kinh tế...; góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững” - bà Khúc Thị Hoa Phượng nói.

Ngọc Phương