![]() Nguồn: wikimedia.org |
Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Vũ Quang Các cho biết, trong quá trình phát triển, bên cạnh những yếu tố khách quan, bản thân nội bộ vùng đã bộc lộ nhiều yếu kém. Cụ thể: phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư và lao động có chất lượng thấp trong một thời gian khá dài, trình độ phát triển còn thấp. Vì vậy, cần thiết phải có một Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH cho toàn vùng. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 công bố ngày 25.6, yêu cầu phát triển đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là: tăng trưởng nhanh, tạo sự đột phá, tạo ra khả năng lôi kéo mạnh các vùng và địa phương khác cùng phát triển; đặc biệt là toàn bộ miền Bắc. Đồng thời, phải là nơi thực hiện công cuộc tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ của cả nước, thực hiện quyết liệt và triệt để công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.
Để ban hành được bản Quy hoạch như hiện nay, ban soạn thảo đã đưa ra 3 kịch bản phát triển. Kịch bản 1 - lạc quan - với bối cảnh quốc tế phát triển đa cực, hồi phục kinh tế ở các nước phương Tây nhanh chóng; cải cách trong nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ mạnh mẽ và quyết mẽ. Kịch bản 2 - vừa phải - khi đặt trong hai bối cảnh quốc tế hoặc trong nước gặp những yếu tố không thuận lợi. Kịch bản 3 - xấu - trong bối cảnh quốc tế và trong nước đều không thuận lợi, đặc biệt là sự thất bại của Việt Nam khi thực thi đầy đủ các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như các Hiệp định thương mại với Trung Quốc và ASEAN, cộng thêm các yếu tố căng thẳng về tranh chấp nguồn lực, biên giới.
Theo Vụ trưởng Vũ Quang Các, sau khi tính toán, với tỷ lệ xác suất lớn, chiếm 65% so với 20% của kịch bản 1 và 15% của kịch bản 3, kịch bản 2 đã được lựa chọn. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GPD bình quân toàn vùng thời kỳ 2011 - 2015 đạt 7,5% và thời kỳ 2016 - 2020 đạt 9%; GDP bình quân (theo giá hiện hành) đến năm 2015 đạt 3.200 - 3.500 USD, đến năm 2020 đạt 5.500 USD. Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8,7% (gấp 1,3 lần mức bình quân chung của cả nước); GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 10.500-12.000 USD vào năm 2030. Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế: nông lâm thủy sản trong GDP là 7,7%, công nghiệp - xây dựng 48,3% và dịch vụ 44%.
Giai đoạn 10 năm 2020 - 2030, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ hiện đại và hệ thống đường cao tốc, tuyến đường sắt cao tốc, cảng hàng không hiện đại tại Vân Đồn, hoặc Tiên Lãng khi cảng Nội Bài mãn tải. Tổng số vốn được huy động và sử dụng dự kiến vào khoảng 5.900 - 6.000 nghìn tỷ đồng, tương ứng 27 - 28% GDP của cả vùng; trong đó số ngân sách nhà nước dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng chiếm khoảng 45% - 50%.
Thứ trưởng Bộ KH và ĐT Đặng Huy Đông khẳng định, đây chỉ là kịch bản linh hoạt, có tính khả thi cao so với hai kịch bản còn lại, không tuyệt đối chỉ có thuận lợi hay bao hàm ý triệt tiêu thách thức. Việc tính toán mặc dù đã dựa trên sự biến động, nhưng theo ông Đông, những sự việc bất thường như căng thẳng biển Đông... diễn ra gần đây vẫn chưa được nhóm soạn thảo lường trước. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là nơi có hai hành lang, một vành đai kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Hơn nữa, năm 2015 đã rất gần, nên khả năng đạt mức tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 đạt 7,5% cũng không dễ thực hiện.
Mặc dù được xây dựng trên nền xu thế của từng địa phương nhưng nội bộ từng tỉnh sẽ có những biến đổi riêng và thách thức theo từng thời kỳ. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, các địa phương thay vì chú trọng phát triển dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư và lao động có chi phí thấp, cần chú ý đến cơ chế và nội dung phối hợp để thực hiện cải cách hành chính cũng như quan tâm đến chất lượng công nghệ và đặc biệt là cơ sở kết cấu hạ tầng để thu hút vốn đầu tư.