Kho tài nguyên cho sáng tạo đương đại

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:46 - Chia sẻ
Chưa bao giờ văn hóa dân gian được trân trọng, nâng niu, xem là nguồn tài nguyên quý giá cho sáng tạo như giai đoạn hiện tại. Các hoạt động bảo tồn, khai thác, thể nghiệm mới mẻ từ truyền thống đang diễn ra rầm rộ, thu hút công chúng hiện đại.

Sức hút từ văn hóa dân gian 
Chất liệu dân gian đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, từ điện ảnh, triển lãm, mỹ thuật, nhiếp ảnh, cho tới nghệ thuật biểu diễn, du lịch, thời trang, thủ công mỹ nghệ...

	“Tứ Phủ” - vở diễn được lấy cảm hứng từ nghi lễ Hầu đồng - Ảnh: divui.com
“Tứ Phủ” - vở diễn được lấy cảm hứng từ nghi lễ Hầu đồng
Ảnh: divui.com

Tại Tọa đàm “Văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa” do Trường Đại học Việt Nhật và Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam đồng chủ trì tổ chức sáng 10.11, TS. Trần Thanh Việt - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội cho rằng: “Văn hóa truyền thống gợi mở vô vàn ý tưởng, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đời sống đương đại, mang lại doanh thu trong các lĩnh vực”.

Có thể kể ra ví dụ như bộ phim Trạng Quỳnh, Tấm Cám: chuyện chưa kể... thu hút công chúng với doanh thu cao; hay vở diễn Tứ Phủ tái hiện nghi lễ hầu đồng thu hút khách nước ngoài, quảng bá văn hóa truyền thống qua hình thức sân khấu hóa. Trong lĩnh vực quảng cáo, cổ tích, tục ngữ, ca dao được sử dụng khá thường xuyên. Bên cạnh đó, lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thời trang cũng đang chứng kiến sự “bừng nở” từ truyền thống. 
“Tôi đã thực hành, khai thác phát triển văn hóa truyền thống, đưa vào sản phẩm âm nhạc của mình từ đầu những năm 2000, và cách khai thác phát triển theo năm tháng. Ban đầu, tôi đưa các nét âm nhạc dân tộc vào tác phẩm, nay đồng sáng tạo với nghệ sĩ âm nhạc dân gian” - nhạc sĩ Trí Minh chia sẻ về các sáng tạo âm nhạc đa dạng, lấy cảm hứng, chất liệu từ âm nhạc dân gian như ca trù, âm nhạc của đồng bào Mông, Tày, Thái, Dao... Không chỉ nghệ sĩ Trí Minh, nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc đã khai thác văn hóa dân tộc, tạo nên các sản phẩm thu hút công chúng hiện đại. 
Thực hiện dự án Thần Tích, kể câu chuyện hùng tráng về thần thoại và cổ tích Việt Nam thông qua hình thức boardgame và Trading Card Game, anh Lê Mạnh Cương, sáng lập KEIG Studio cho biết: Trên thế giới, văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia đã được cho vào game, phim ảnh và truyện tranh từ rất lâu, nên mọi người biết tới chàng Hercules của thần thoại Hy Lạp, thần Thor của thần thoại Bắc Âu, Samurai Nhật Bản... Từ đó, KEIG Studio có ý tưởng đưa các vị thần như Lạc Long Quân, Âu Cơ hay Sơn Tinh, Thủy Tinh trở nên hấp dẫn, thân thuộc hơn qua boardgame. Qua đó, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ cảm thấy gần gũi và yêu mến thần thoại và cổ tích Việt Nam hơn...
Tiếp cận hệ thống, tạo chuỗi giá trị
Văn hóa dân gian được coi là nguồn tài nguyên phong phú và đặc sắc, góp phần quan trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Người lưu giữ truyền thống như đang sở hữu gia tài có thể khai thác, phát huy, điều mà trước đây đôi khi họ chưa nhận thấy.

TS. Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Việt Nam học, Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội cho rằng, khai thác văn hóa dân gian để phát triển công nghiệp văn hóa vẫn gặp một số thách thức, chẳng hạn nghệ nhân, mang sứ mệnh gìn giữ di sản nhưng chưa tìm được sinh kế để sống được với nghề. Bên cạnh đó, sự kế tục truyền thống giữa các thế hệ đang có khoảng cách, có người giữ di sản và muốn trao truyền, nhưng dường như không nhiều người muốn học. Nhiều nghề truyền thống có giá trị cao, nhưng không thể sản xuất hàng loạt khi đưa ra thị trường; sự cân bằng giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa cũng cần được quan tâm...
Theo GS.TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, văn hóa dân gian Việt Nam vô cùng phong phú, nhưng vấn đề là làm sao giữ gìn, đưa giá trị truyền thống tồn tại và phát triển trong xã hội đương đại. Có thể thấy, Nhà nước quan tâm tới bảo tồn văn hóa truyền thống, nhưng chế độ, chính sách đối với nghệ nhân còn hạn chế. Mặt khác, cần có những người sáng tạo hiểu biết về truyền thống, để có những sản phẩm văn hóa đương đại mang đậm bản sắc. 
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Trần Thanh Việt nhận định: Sự kết nối giữa nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất chưa được chú trọng. Trong khi đó, để có những sáng tạo đặc sắc, cần có sự bắt tay giữa các bên liên quan cho ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa. 
“Bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian cần có sự tiếp cận hệ thống, từ chiến lược bảo tồn bài bản, có sự tham gia của nghệ nhân - người đam mê, tâm huyết bảo tồn văn hóa cho tới doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo” - PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội góp ý. Để khai thác giá trị văn hóa dân gian, nền công nghiệp văn hóa cần tạo ra chuỗi giá trị: từ nơi sản xuất - nghệ nhân, nghệ sĩ; cho tới doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp - sáng tạo sản phẩm có thể mang ra bán trên thị trường trong nước và quốc tế; sự hỗ trợ của công nghệ - số hóa sản phẩm văn hóa; và công chúng tiếp nhận sản phẩm. Sản phẩm lấy cảm hứng, khai thác từ văn hóa dân gian khi thu hút công chúng và mang lại nguồn lợi về kinh tế có thể trở thành cú hích tác động tích cực đến việc bảo tồn, phát huy truyền thống trong đời sống đương đại một cách bền vững. 

Thảo Nguyên