Khó quản lý thực phẩm Tết trên "chợ mạng"

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 06:18 - Chia sẻ
Với sự bùng nổ của công nghệ trực tuyến cùng việc tăng cường mua hàng qua mạng, nhằm phòng tránh dịch Covid-19, thời gian qua, mua bán qua mạng, sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều khách hàng. Song, không ít thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần hay hạn sử dụng. Đây cũng là thách thức lớn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nở rộ kinh doanh thực phẩm trực tuyến 

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khác với cách mua hàng trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị hay chợ truyền thống; mua hàng qua mạng đem đến sự tiện dụng cho người tiêu dùng vì có thể mua ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, tiết kiệm thời gian đi lại, giá thành rẻ hơn cửa hàng, có lựa chọn đa dạng về sản phẩm… nên hình thức mua bán này là một trong những xu hướng phổ biến.

Đặc biệt, khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang tới gần, sức tiêu thụ thực phẩm lớn; người dân tìm kiếm nhiều loại đặc sản, thực phẩm, mứt, bánh, kẹo, rượu để sử dụng và làm quà biếu. Càng gần Tết, các loại thực phẩm này càng bán chạy do nhu cầu tăng cao. Nắm được nhu cầu đó, các cửa hàng bán buôn thực phẩm xuất hiện ngày càng nhiều trên "chợ mạng".

Lợi ích đã rõ nhưng việc kinh doanh thực phẩm online rất khó để kiểm soát chất lượng. Bởi thực tế, các trang mạng xã hội, tài khoản cá nhân hầu hết không đăng ký kinh doanh và dù việc kinh doanh tại nhà có được người bán bảo đảm nhưng các cơ quan chức năng khó có thể tiến hành kiểm tra để công nhận chất lượng. Nhiều nơi bán hàng lại không đăng tải địa chỉ rõ ràng… Những yếu tố này tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, thông thường, những người mua hàng đặt niềm tin vào người bán hoặc lựa chọn những địa chỉ thân quen, thế nhưng, nếu những người kinh doanh thực phẩm online vì thấy cái lợi trước mắt, thiếu chữ tâm trong sản xuất, sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến thì hậu quả sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, phần lớn người dùng nếu mua phải thực phẩm kém chất lượng sẽ xử lý bằng cách không tiếp tục mua hàng nữa, thay vì báo với cơ quan chức năng, bởi có thể mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe chưa nhiều, cũng có thể do suy nghĩ rằng thiệt hại không quá lớn. Chính điều này, đã gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm soát chất lượng thực phẩm.

Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng
Nguồn: ITN

Khó kiểm soát xuất xứ, chất lượng

Theo Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, bên cạnh hệ thống cửa hàng lớn có bán theo hình thức online thì hầu hết cơ sở bán hàng online tự phát đều không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, không có đăng ký kinh doanh. Những cơ sở này đang vi phạm pháp luật về kinh doanh buôn bán thực phẩm là phải có đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, các điều kiện bảo đảm về an toàn thực phẩm cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Trong khi đó, việc truy tìm những cơ sở này rất khó khăn, bởi các địa chỉ đăng ký trên mạng đa phần là địa chỉ ảo.

Mới đây, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra và phạt 23 triệu đồng một cửa hàng bánh ngọt bán online tại quận 6, do không có hóa đơn chứng từ, nhân viên không được tập huấn về an toàn thực phẩm, không đăng ký kinh doanh, trong khi mỗi ngày bán ra thị trường hàng nghìn chiếc bánh ngọt.

Đồng thời, để thực hiện hiệu quả việc quản lý kinh doanh thực phẩm trên "chợ mạng", không ít chuyên gia kiến nghị, hoàn thiện hành lang pháp lý để có biện pháp quản lý hiệu quả; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc buôn bán các mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm dù được buôn bán ở đâu, bằng hình thức nào, cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật, phải được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và bảo đảm chất lượng.

"Trong bối cảnh các quy định pháp luật vẫn chưa rõ ràng, người dân cần cẩn trọng trong việc chọn lựa các địa chỉ mua hàng. Nên mua hàng ở các địa chỉ uy tín, vừa an tâm về chất lượng lại có cơ sở xử lý hậu mãi nếu không may xảy ra các sự cố không bảo đảm an toàn" - bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo. 

Hoàng Yến