Kho bạc không còn tiền mặt

- Thứ Tư, 16/06/2021, 07:04 - Chia sẻ
Do không còn giao dịch tiền mặt tại trụ sở kho bạc và mọi chứng từ đều gửi qua dịch vụ công trực tuyến, chị Phạm Thị Lan Anh, Kế toán Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đại Từ (Thái Nguyên) giờ chỉ đến kho bạc để đối chiếu chứng từ theo tháng, quý, năm. Điều này giúp chị chủ động hơn trong công việc và có thêm thời gian để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Cán bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên xử lý hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến

Dừng giao dịch tiền mặt tại trụ sở

Có thể nói Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Thái Nguyên là một trong những đơn vị trong cả nước tiên phong thực hiện chủ trương kho bạc không tiền mặt của KBNN Trung ương.

Cụ thể, từ ngày 1.6.2021, KBNN tỉnh Thái Nguyên dừng toàn bộ các giao dịch bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở. Theo đó, các hoạt động thu ngân sách nhà nước, thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua tài khoản của người nộp thuế, nộp phạt tại các ngân hàng thương mại hoặc nộp trực tiếp tại điểm giao dịch của 5 ngân hàng thương mại: Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank và MB chi nhánh Thái Nguyên. Các đơn vị, cá nhân khi có nhu cầu nộp tiền mặt vào tài khoản mở tại KBNN thì đến các điểm giao dịch của Vietinbank Thái Nguyên - nơi KBNN Thái Nguyên mở tài khoản thanh toán để thực hiện. Tất cả các trường hợp rút tiền mặt về đơn vị để chi tiêu, người lĩnh tiền của đơn vị sẽ rút tiền mặt trực tiếp tại trụ sở Vietinbank Thái Nguyên.

Cùng thời điểm này, KBNN huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cũng dừng giao dịch bằng tiền mặt tại trụ sở. Một điểm thuận lợi của KBNN huyện Phú Lương là việc triển khai hiệu quả đề án hiện đại hóa thu - chi, phối hợp thu giữa kho bạc, thuế và ngân hàng thương mại đã giúp giảm mạnh tỷ trọng thu, chi tiền mặt trực tiếp. Năm 2018 trở về trước, 100% thực hiện thu, chi tại KBNN huyện Phú Lương, thì năm 2019 thu trực tiếp còn 3,3%, chi trực tiếp chỉ còn 25,5%; năm 2020 thu 2,1%, chi còn 23,3%.

Trước đó, để có cơ sở xem xét, triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh, tháng 2.2021, KBNN tỉnh Thái Nguyên triển khai thí điểm mô hình không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở ở KBNN huyện Đại Từ. Lãnh đạo KBNN huyện Đại Từ cho biết cả kho bạc, đơn vị sử dụng ngân sách và ngân hàng đều hưởng lợi từ mô hình này. KBNN một mặt “giảm tải” công việc, nhờ vậy có điều kiện tăng thêm nhân lực cho các hoạt động nghiệp vụ; mặt khác giảm bớt áp lực bảo đảm an ninh, an toàn khi vận chuyển, bảo quản tiền mặt.

Bên cạnh đó, mô hình này tạo thêm dịch vụ cho các ngân hàng thương mại và mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị sử dụng ngân sách. Chị Phạm Thị Lan Anh, Kế toán Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đại Từ cho biết, do không còn giao dịch tiền mặt tại trụ sở kho bạc và  mọi chứng từ đều gửi qua dịch vụ công trực tuyến nên bây giờ chị chỉ đến kho bạc để đối chiếu chứng từ theo tháng, quý, năm. Điều này giúp chị chủ động hơn trong công việc và có thêm thời gian để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Với mô hình không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở kho bạc, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch thu, chi tiền mặt tại tất cả các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản thanh toán. 

Sớm định hình kho bạc số

Lãnh đạo KBNN tỉnh Thái Nguyên cho biết, tới đây sẽ triển khai mô hình không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại các kho bạc trong toàn tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện kho bạc không chứng từ, không khách hàng giao dịch, từ đó hình thành kho bạc số theo chủ trương của KBNN Trung ương; đồng thời là một trong những nội dung hưởng ứng thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của KBNN tỉnh Thái Nguyên xác định: Tiếp tục tinh gọn bộ máy, thành lập KBNN khu vực theo lộ trình; đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho cuộc Cách mạng 4.0. Trong năm 2021, sẽ đạt 100% (11/11) thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công cấp độ 4, trong đó tích hợp 9/11 thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp thu triển khai dự án thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); nâng cao chất lượng công tác lập báo cáo tài chính Nhà nước, phân tích số liệu thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các cơ quan có liên quan… Trên nền tảng KBNN điện tử hiện nay, KBNN Thái Nguyên định hình hoạt động của kho bạc số trong thời gian sớm nhất.

Tính đến cuối năm 2020, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (trừ khối an ninh - quốc phòng) đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; số chứng từ thực hiện qua dịch vụ công đạt trên 93%; 99,9% số thu ngân sách nhà nước được thực hiện qua các hệ thống thanh toán của ngân hàng, KBNN; chỉ còn 0,01% (tương ứng gần 20 tỷ đồng) là thu tiền mặt trực tiếp tại kho bạc.

Tiểu Phong