60 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.2019)

Khi xe em xung trận…

- Thứ Tư, 15/05/2019, 07:53 - Chia sẻ
Lúc cao điểm nhất, Trường Sơn có gần 2 vạn nữ chiến sĩ có mặt trên khắp tuyến đường, đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có một đại đội nữ lái xe duy nhất. Vững tay lái băng qua rừng núi, đạn bom, đưa các chuyến hàng đến tiền tuyến và chở thương binh về tuyến sau, các cô bộ đội lái xe đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến và là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác nghệ thuật.

Đại đội vận tải nữ Trường Sơn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc quyết định đưa lực lượng nữ vào chiến trường nói chung và Trường Sơn nói riêng thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trở thành điểm hẹn của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với hơn 10 vạn quân và hơn 1 vạn thanh niên xung phong. Trong số đó, lúc cao điểm nhất có gần 2 vạn nữ chiến sĩ Trường Sơn. Không chỉ hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư, các nữ chiến sĩ còn hy sinh cả một phần xương máu, tính mạng của mình để con đường huyết mạch luôn thông suốt. Đây là lực lượng hùng hậu, góp phần lập nên nhiều kỳ tích trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.


Ảnh: Tư liệu

Các nữ chiến sĩ Trường Sơn đã sớm có mặt ở mọi nơi trên tuyến đường, kể cả những tuyến trọng điểm ác liệt nhất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Do nhu cầu của chiến trường, giữa năm 1967,  Bộ Tư lệnh Đoàn 559 được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp 2 lần năm trước. Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải nữ để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Các cô gái đôi mươi có sức khỏe tốt, biết về kỹ thuật được tuyển chọn.

“Vừa hết nghĩa vụ công nhân Quốc phòng xây dựng sân bay dã chiến Yên Bái, bên trên tuyển chọn những người hết nghĩa vụ đi học y tá, lái xe, văn công; tôi đã xung phong vào đội lái xe vào Trường Sơn” - cô gái thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Hoàng Thanh cùng 45 người đều chưa từng cầm vô lăng, người đang là TNXP mở đường, người là y tá, chị nuôi tại các kho trạm... đã được binh đoàn tuyển chọn.

Ngày 18.12.1968, từ vùng rừng núi xã Yên Phổ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Đại đội vận tải nữ Trường Sơn mang tên Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh được thành lập với quân số 45 người. Họ được đào tạo cấp tốc trong 45 ngày, cả lái xe và sửa xe.

Kiên cường vượt trọng điểm

“Không chỉ lái xe, các chị em còn bốc xếp vận chuyển hàng, làm đường, sửa xe, dìu, cõng thương binh về trạm điều trị... Nói không sợ thì không phải. Nhiều lúc chúng tôi ôm mặt khóc, rồi lại tiếp tục lên đường, bởi trên xe còn bao nhiêu sinh mệnh đồng đội, vũ khí, thực phẩm chi viện cho chiến trường”.

Nữ lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Hoàng Thanh

Xe lớn, người thì nhỏ, nên các nữ lái xe vất vả vô cùng. Nhận xe, họ phải kê cao chỗ ngồi, đặt can nhựa tựa lưng cho vừa ghế; rồi vật lộn với vô lăng, cần số. Lái chưa quen, xe cũ, đường gập ghềnh lồi lõm. Bà Hoàng Thanh kể lại: Những năm tháng đó, ngày nằm nghỉ, khoảng 5 giờ chiều im ắng tiếng bom đạn là chị em lại lên đường. Đề phòng địch phát hiện, những chiếc xe được ngụy trang cây lá, đi trong bóng đêm dưới các tán rừng mà không được rọi đèn, những chiếc xe chỉ được gắn một đèn gầm, đèn rùa ánh sáng mờ mờ, lái xe vừa điều khiển tay lái vừa căng mắt dò đường. Nhiều khi đang đi đường thẳng lại có mũi tên chỉ hướng tránh, nếu không kịp là lao xuống hố bom.

Chưa kể những lần họ vừa đi vừa run, vừa nín thở lái xe trên những con đường độc đạo bị máy bay bắn phá, cây cối ngổn ngang; hoặc đi qua cầu cáp, mặt đường là những tấm ván ghép chỉ rộng vừa làn xe đi, không căn đường tốt thì rơi xuống vực sâu... Cô gái lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Kim Quy bồi hồi nhớ lại: Dù gian khổ nhưng mọi người rất quý xe, dù đường đi lỗ chỗ hố bom, trên đầu máy bay quần thảo, đạn pháo đì đùng xung quanh... nhưng giao nhiệm vụ gì đội cũng gắng hoàn thành. Vượt qua những trọng điểm ác liệt, đoàn xe nữ thoắt đến thoắt đi thoắt vượt Cổng Trời, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve...

Hàng trăm đêm không ngủ, đơn vị nữ lái xe vẫn kiên cường vượt cung, tăng chuyến đều đặn, vận chuyển an toàn hàng hóa, vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường Miền Nam và đưa thương binh, cán bộ ra miền Bắc học tập, an dưỡng và điều trị. Nhiều binh đoàn vượt Trường Sơn ngày ấy đã thật sự ngỡ ngàng khi thấy những cô gái rất trẻ điều khiển xe tải Gat 61, Gat 63, Zil 3 cầu... 

Ra khỏi chiến trường, trong số các nữ lái xe ngày ấy, 19 người là thương binh, có người giữ lại trên mình nhiều mảnh bom đạn, một số người sau đó bị ung thư do nhiễm độc từ nhiều lần dùng miệng hút xăng giữa Trường Sơn. Với họ những ngày phục vụ chiến đấu gian khổ nhưng đầy niềm vui và tự hào. Đóng góp của họ đã đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Xao động cả Trường Sơn, khi xe em xung trận. Theo Bà Trưng, Bà Triệu, hiên ngang phất cờ đào. Thầm lặng em dương cao trái tim hồng dẫn lối. Đoàn xe em thẳng tới, mặc đạn bom thét gào. Bông lan rừng ngát hương, lung linh trong buồng lái...” (lời bài hát “Huyền thoại giữa Trường Sơn”, nhạc Nguyễn Văn Được, lời thơ Nguyễn Văn Mỗi).

Ngọc Phương