Hoạt động tín dụng chính sách trên đảo Phú Quý

Khi tư duy đổi mới

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 06:04 - Chia sẻ
Với người nghèo, người yếu thế thì việc thay đổi tư duy là yếu tố chìa khóa để chinh phục hoàn cảnh, hướng đến cuộc sống tươi sáng hơn. Việc thực thị các chính sách tín dụng ở Phú Quý là một ví dụ…
Đại dịch Covid-19 không ngăn được dòng chảy tín dụng đến với bà con huyện đảo

Bắt đầu từ “tín dụng sinh viên”

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Linh cho biết, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được triển khai nhiều năm qua là chính sách rất nhân văn, góp phần bảo đảm cơ hội được học tập của mọi sinh viên.

Mục tiêu của chương trình là sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế. Chương trình không chỉ tiếp thêm động lực giúp các em nuôi dưỡng ước mơ trên con đường học vấn, có cơ hội tìm được việc làm, đổi đời mà sâu xa hơn, chương trình tín dụng sinh viên đang từng bước tạo cho đất nước một nguồn nhân lực quý giá; một thế hệ trẻ có trình độ và hoài bão xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007. Mức vay thời điểm năm 2007 là 800.000 đồng/học sinh, sinh viên, với mức vay này tại thời điểm năm 2007 sẽ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của học sinh, sinh viên.

Qua 12 năm thực hiện Chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các bộ, ngành và NHCSXH đã liên tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức vay dựa trên khả năng cân đối nguồn ngân sách. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19.11.2019 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức vay đối với học sinh, sinh viên từ mức 1,5 triệu/tháng/học sinh, sinh viên lên mức 2,5 triệu/tháng/học sinh, sinh viên, mức này có thể đáp ứng được 50% nhu cầu của học sinh, sinh viên.

Có thể nói, đây là một bước điều chỉnh khá mạnh mức vay đối với học sinh, sinh viên trong 12 năm qua, mặc dù chưa thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh, sinh viên và mức học phí hiện hành nhưng đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ nói riêng và các bộ, ngành liên quan đối với chương trình này.

Lan tỏa từ sức trẻ

Bác Đặng Ô, một người dân sinh ra, lớn lên ở đảo Phú Quý chia sẻ, ở tuổi “thất thập cổ lai hy" bác đã chứng kiến đủ thăng trầm trên đảo. “Nhưng điều mừng nhất là thế hệ thanh niên, thiếu niên trên đảo bây giờ tiến bộ lắm. Tụi trẻ đều được ăn học đầy đủ, có trình độ, kiến thức, có tư duy đổi mới, năng động và đầy tự tin, khác xa chúng tôi... Chắc chắn, tụi nó sẽ giúp huyện đảo này ngày càng phát triển, đúng như tên gọi Phú Quý!” - bác Đặng Ô tin tưởng nói.

Quả thật, chỉ hơn chục năm trước, Phú Quý vẫn chỉ là một hòn đảo có diện tích tự nhiên hơn 17km2, dân cư vô cùng thưa thớt. Đời sống người dân trên đảo hoang sơ và dân dã đến mức, không ai biết loại đá viên (dùng để giải nhiệt) là gì… Vậy mà, đến nay, mọi thứ đã thay đổi một trời, một vực. Đảo có trên 28 nghìn người, trong đó có gần 17 nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp. Số hộ trên địa bàn huyện đến 31.3.2021 là 6.557 hộ, hộ nghèo có 33 hộ, chiếm tỷ lệ 0,5%; số hộ cận nghèo là 140 hộ, chiếm tỷ lệ 2,14%. Các công trình giao thông, điện gió, trường học, bệnh viện, khu xử lý rác thải… và cả những điểm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng đều được xây dựng khang trang. Thành quả đó, trước tiên phải thuộc về những người trẻ tuổi. Họ đã nhận thức đầy đủ và thực sự thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách sống để rồi lan tỏa tới các thành viên khác trong gia đình cộng đồng.

Nhìn từ sự chuyển biến trong nhận thức của người nghèo trên đảo trong việc tiếp cận nguồn tín dụng sinh viên để thấy, bà con đã nhận ra, chỉ có học tập, nâng cao trình độ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có thể thay đổi cuộc sống; gia đình mới thoát khỏi nghèo khó và các thế hệ con cháu của đảo mới sánh ngang với các bạn cùng trang lứa trong đất liền. Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phú Quý Ngô Văn Đúng, kể từ năm 2004 - khi bắt đầu giải ngân chương trình cho vay học sinh, sinh viên đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Quý đã giải ngân đạt 19.186 triệu đồng cho 908 hộ vay. Nguồn vốn giải quyết cho 918 học sinh, sinh viên vay vốn và thực hiện giấc mơ tại các giảng đường đại học và cao đẳng. Để rồi từ đây, đã hình thành một lớp thanh niên trí thức, hiện đại như chàng trai Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Đức Nghĩa, đã trở thành những bác sĩ chuyên khoa giỏi.

“Nếu không nhờ nguồn vốn vay học sinh sinh viên, làm sao các con tôi được như ngày hôm nay” - bà Trần Thị Đầm, ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, mẹ của hai chàng trai Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.

Phó giám đốc Ngô Văn Đúng cho biết thêm, tuy dư nợ của chương trình cho vay học sinh, sinh viên không lớn nhưng đã phủ sóng đầy đủ tới những tận tay người cần. Giúp các em viết tiếp giấc mơ học tập, lập thân, lập nghiệp và trở thành những công dân ưu tú, đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng quê hương.

Bình Nhi