Nhân dân - chủ thể của cách mạng, đồng thời cũng là cảm hứng chủ đạo của văn chương hiện đại. Nhân dân kỳ diệu đến mức các nhà thơ tiền chiến sau nhiều năm sống trong cái tôi cô đơn bắt gặp nhân dân đã phải thốt lên: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa”. Niềm hạnh phúc bình dị và lớn lao như ngọn nguồn sự sống, như suối nguồn yêu thương của thi sĩ vỡ òa khi trở về với nhân dân và gặp lại nhân dân. Còn nhà thơ Xuân Diệu thì nguyện cầu đi cùng nhân dân: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”. Và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại nhận ra cái sâu thẳm đầy ưu tư: “Nước mắt của Nhân Dân mặn chát rót vào tôi”. Nhân dân diệu kỳ và mỗi khi vận nước may rủi, hưng thịnh, lên xuống... cũng là lúc nhân dân mang vác Tổ quốc trên vai. Vận nước đến thì mới biết sức mạnh của nhân dân.
Sau khi chiến thắng quân xâm lăng nhà Tống, vua Lê Đại Hành vời Thiền sư Pháp Thuận đến hỏi về vận hội mới của đất nước. Thiền sư Pháp Thuận dâng bài thơ Vận nước: “Vận nước như mây cuốn/ Trời Nam mở thái bình/ Vô vi trên điện các/ Xứ xứ hết đao binh”. Hai câu thơ đầu là ví von vận nước như bó mây vấn vít mang tính chất tượng hình. Hai câu sau nói về nhận thức và phương sách khoan thư sức dân trị quốc. Mỗi người đứng riêng lẻ có thể yếu ớt, dễ bị đốn hạ, tiêu diệt như từng chiếc đũa dễ bẻ, từng sợi mây dễ cắt, nếu biết tập hợp, cố kết lại sẽ trở thành sức mạnh lớn vô địch. Nhà nước trung ương phải thực hiện tư duy vô vi, nhân ái, lấy dân làm gốc xây dựng một xã hội cửa mở toang không sợ trộm cắp, hang cùng ngõ vắng đầy ắp tiếng đàn.
![]() Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu với các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang |
Lục lại sử cũ mới thấy vận nước lúc lên lúc xuống và lắm đoạn quanh co. Năm 1400, Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần lên làm vua được một năm thì nhường ngôi cho con nhỏ là Hồ Hán Thương. Ông có nhiều cải cách xã hội, kinh tế, nhưng thất bại trong cuộc xâm lăng của nhà Minh. Trước sức mạnh ồ ạt của ngoại bang, Hồ Quý Ly than thở với con lớn Hồ Nguyên Trừng rằng: “Ước gì có 100 vạn quân để chống lại giặc Bắc”. Lúc ấy, Hồ Nguyên Trừng là Tả Tướng quốc tâu rằng: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không.” Đúng là lòng dân không theo thật. Khi nhà Trần nát mục, suy yếu, mạt vận, hết vai trò lịch sử, Hồ Quý Ly là một nhân tài sáng chói nhất đã làm cuộc tiếm ngôi. Nhìn theo quan điểm triết học biện chứng thì nhân vật Hồ Quý Ly xuất hiện đúng thời điểm lịch sử, và ông cũng nắm được vận nước để xác lập quyền cai trị của mình. Bỏ tiền đồng đúc tiền giấy, đặt thi cử không hoàn toàn theo thi thư, mà thêm toán pháp, và đặt ra chế độ khảo quan... ông biết và nắm được vận nước để thỏa chí anh hùng. Nhưng, ông càng thực hiện cải cách xã hội, kinh tế, chính trị bao nhiêu thì cai trị dân càng hà khắc bấy nhiêu. Các nhà sử học chép lại rằng: Trước đó, nhà Trần đánh thuế ruộng tư 3 thăng thóc, thì nhà Hồ nâng lên 5 thăng; nhà Trần đánh thuế đinh 3 quan thì nhà Hồ đánh 5 quan. Hồ Quý Ly không “khoan thư sức dân để tính kế sâu rễ bền gốc” như tư tưởng của Trần Quốc Tuấn. Khi tướng Trương Phụ, Mộc Thạnh kéo quân Minh sang xâm lăng, Hồ Quý Ly bỏ quên bài học tổ chức Hội nghị Diên Hồng của nhà Trần từng làm để bàn kế và thống nhất trăm người như một đánh giặc ngoại xâm. Thuế khóa hà khắc, không khoan thư sức dân, và không lấy dân làm gốc; lòng dân ai oán, không phục không theo... nên dù có thành cao hào sâu, cha con Hồ Quý Ly vẫn ngậm ngùi cay đắng cùng đường tủi nhục, bị quân Minh bắt làm tù binh. Trong xã hội phong kiến Việt Nam không thiếu trường hợp tương tự coi thường dân, khinh dân, mất lòng dân nên tan nát cơ đồ.
Vận nước đến trong thời chiến và cũng đến trong thời bình. Khi có họa xâm lăng thì vận mệnh đất nước bị thử thách hiểm nghèo. Thời Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhưng thực dân Pháp lại quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... đe dọa. Vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Chính phủ thực hiện “tuần lễ vàng” thu được 370kg vàng. Hồ Chủ tịch kêu gọi “nhường cơm sẻ áo”, lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”, giảm tô thuế, tăng gia sản xuất... diệt giặc đói. Nha Bình dân học vụ được thành lập, Hồ Chủ tịch kêu gọi xóa nạn mù chữ. Đêm đêm đỏ đèn trên các đường làng, người dân í ới rủ nhau học chữ quốc ngữ. Hơn 2,5 triệu người được xóa nạn mù chữ trong phong trào... diệt giặc dốt. Trước nạn ngoại xâm, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Cả nước bừng bừng khí thế đánh giặc cứu nước và xây dựng lại cuộc sống. Vận nước sang một chương mới dân chủ cộng hòa, vận mệnh đất nước cũng bị đe dọa, nhưng lòng dân lại theo chính phủ Hồ Chí Minh, triệu người như một. Vì sao? Vì... trọng tư tưởng “Dân vi quý, dân vi bản”, có nghĩa là biết quý trọng thương yêu dân và lấy dân làm gốc.
Giải thích nguyên nhân chiến thắng giặc Nguyên, Đại vương Trần Quốc Tuấn không nhắc đến binh pháp mà khẳng định: “do trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” và ông khái quát bí quyết thành công của bậc minh đế và trước lúc mất, nói với vua Trần Anh Tông rằng: “lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”.
Nguyễn Trãi viết “Đại cáo Bình ngô” tố cáo tội ác của giặc Minh: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” và đề cao tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng: “Tướng sĩ một lòng phụ tử. Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Ông ngẫm nghĩ đầy suy tư về sức mạnh của nhân dân trong bài thơ Quan hải (Đóng cửa biển): Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển/ Khóa sông xích sắt cũng vầy thôi/ Lật thuyền mới rõ dân như nước/ Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời/ Hoạ phúc gây mầm không một chốc/ Anh hùng để hận mấy trăm đời/ Vô cùng trời đất gương kim cổ/ Cây khói xa mù bát ngát khơi”. Dân như... nước. Mà chở thuyền là nước (dân). Lật thuyền cũng là nước (dân).
Dân gian vốn lưu truyền những câu thơ nói về kiếp luân hồi hiện đại rằng: “Sinh ra vốn dĩ là dân/Phấn đấu dần dần cũng được thành quan/ Hết quan rồi lại hoàn dân/ Hoàn dân rồi lại dần dần vào... quan”. Cái vòng đời người công bộc của dân là thế. Tư tưởng lấy dân làm gốc bắt đầu từ Nho giáo và tư tưởng này đã trở thành giá trị tài sản nhân loại. Đến thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tư tưởng lấy dân làm gốc được thực hiện và phát triển đến đỉnh cao. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”, rồi dặn dò cán bộ hãy nhớ lấy một điều chưa ai nói trong lịch sử: “Chính phủ từ Trung ương tới địa phương đều là công bộc của dân”. Cũng có lúc Bác khẳng định: “Dân là chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”. Rất tiếc rằng, có nhiều cán bộ lúc khó khăn gian khổ, ác liệt hy sinh thì chung hầm hào với dân, nắm cơm, hớp nước chia đôi, được dân che chở cứu mạng, nhưng lúc vinh hoa phú quý thì tham vàng quên ngãi. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã có lần ai oán: “Ði miền Tây trong chiến tranh, thấy nông dân đúng là tuyệt vời. Lúc đánh giặc Pháp và giặc Mỹ luôn luôn là dân, lấy dân làm mặt trận. Có coi dân là gốc thì cái gốc đó mới càng ngày càng phát triển, mới thành cây cổ thụ. Tiếc là hòa bình, những cán bộ cũ ít về thăm dân. Vùng sâu, vùng xa như Rạch Giá, Ðồng Tháp, U Minh... kể cũng khó đi, nhưng quyết tâm thì đi được. Ngày xưa đi xuồng, đi ghe, đi bộ còn đi được huống hồ giờ đã có ô-tô, máy bay.” Hòa bình rồi xa dân, quên người đã đồng cam cộng khổ, chở che tính mạng cho mình, những ông quan cách mạng này đã quên rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Nhà thơ và nhà soạn thánh ca William Cowper viết rằng: “Không ai có thể làm người yêu nước với cái dạ dày lép kẹp”. Đói kém, bần cùng thì sinh đạo tặc. Lòng dân không yên thì sinh loạn lạc, khó mưu tính cơ đồ. Chiến tranh kết thúc, sau ngày 30.4.1975, đất nước hòa bình bước vào một thời kỳ mới, vận hội mới. Thế nhưng, trong chiến tranh – thời loạn mà lòng dân yên triệu người như một; hòa bình không phải loạn lạc mà lòng người li tán. Đất nước khủng hoảng nặng nề với hậu quả chiến tranh, loay hoay, tìm kiếm đến mười năm mới tìm ra ÁNH SÁNG ĐỔI MỚI. 30 năm trước đất nước ta với 60 triệu dân, tổng thu nhập quốc dân chỉ 5 tỷ USD, thu nhập đầu người năm 1988 chỉ đạt 86 USD - khoảng 1,8 triệu đồng (quy đổi theo thời giá hiện nay), mỗi tháng bình quân đầu người chỉ 150 ngàn đồng. Người ta lấy gạo làm thước đo cuộc sống hằng ngày. Bây giờ, ai có thể sống với 13 cân lương thực vừa gạo độn ngô khoai sắn và bo bo?
Mọi chuyện đến nay đã khác. Những nỗ lực của Nhà nước và nhân dân trong công cuộc đổi mới đã đưa nước ta lên vị thế mới trên trường quốc tế. Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển mạng lưới truyền thông toàn cầu nhanh nhất. Mở các mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter... ở đâu cũng thấy người dân bàn chuyện chính trị, xã hội, kinh tế... Theo Tổng cục Thống kê: “... năm 2015, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 4.192.900 tỷ đồng, tức gấp khoảng 40 lần so với năm 1986. GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109USD, gấp khoảng 25 lần so năm 1988”. Trên con đường đi tới một xã hội dân chủ, văn minh, dân giàu, nước mạnh, coi hạnh phúc của nhân dân là mục đích tối thượng thì phải luôn đặt ra câu hỏi thường trực: Làm thế nào để nuôi dưỡng được lòng dân yên ổn, không phân tâm, phân hóa? Chúng ta hãy nhớ những ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người dân khắp nước tưởng niệm ông với tấm lòng thành kính, với lẽ sống: “Thương dân dân lập đền thờ...” Chúng ta cũng hãy khắc ghi tinh thần nồng nàn yêu nước của nhân dân bày tỏ hành động, việc làm khi Biển Đông dậy sóng, chủ quyền Tổ quốc bị uy hiếp, xâm phạm.
Lòng dân và vận nước. Làm chủ được vận mệnh đất nước với lòng dân yên ổn thì đất nước sẽ an bình, phát triển, giàu đẹp, văn minh.