Khẳng định vị thế Việt Nam

- Thứ Tư, 27/01/2021, 05:35 - Chia sẻ
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ riêng năm 2020 đã có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định, 310 thông tư được các cấp có thẩm quyền ban hành. Có thể kể đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai... được Quốc hội thông qua được đánh giá là có tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Thực tế, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có vai trò rất quan trọng, thậm chí, một chuyên gia còn lượng hóa cụ thể rằng, nếu cải cách quyết liệt, tạo đột phá về sửa đổi văn bản pháp luật kinh doanh thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt 8 - 9% mỗi năm. Ý kiến này là có cơ sở, bởi chỉ riêng với "góc nhìn" của năm 2020 - năm được đánh giá là có quá nhiều yếu tố bất lợi, từ dịch bệnh tới thiên tai nhưng nhờ những nỗ lực vượt bậc, giải pháp điều hành linh hoạt, đặc biệt là hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn đã giúp GDP của nước ta tăng trưởng dương, dù thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra nhưng vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành công ngoài mong đợi.

Ở góc nhìn rộng hơn, theo dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, bình quân GDP giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm; trong thời kỳ Chiến lược 2011 - 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020; GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.

 Dự thảo báo cáo cũng khẳng định, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho lĩnh vực sản xuất, nhất là các ngành ưu tiên...

Có được những kết quả này là do chúng ta đã chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp; ký kết một số hiệp định thương mại... Và điều quan trọng nữa là những kết quả tích cực trong cải thiện, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Vậy nhưng thực tế vẫn còn không ít trở ngại, lực cản. Ví dụ như một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định. Việc thực thi, chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm, giám sát chưa chặt chẽ, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm… Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, an toàn, lành mạnh; kết quả cải cách hành chính chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.

Truyền thông thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài đã có không ít nhận định tích cực dành cho Việt Nam: 2020 là năm Việt Nam nâng tầm vị thế, nâng cao uy tín, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu; Việt Nam là điểm sáng về đạt mục tiêu kép, vừa khống chế dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân, vừa phát triển kinh tế; Việt Nam đang trên đường trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á…

Để có được những đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới nêu trên là sự nỗ lực lớn, không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân. Khó khăn phía trước còn nhiều, thách thức cũng không ít, vậy nên cần tiếp tục duy trì và giữ vững thành quả, đồng thời khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa vị thế của Việt Nam.

Ninh Hà