Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 khu công nghiệp đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.967ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.370ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê lại khoảng 918ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 71,93%; trong đó, các khu công nghiệp đang hoạt động đã lấp đầy không còn đất công nghiệp cho thuê.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 452 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 341 dự án FDI).Tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,261 tỷ USD và 17.850 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 5,55 tỷ USD và khoảng 9.600 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp đều phù hợp theo quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ngành, nghề lĩnh vực đầu tư phù hợp quy hoạch định hướng thu hút đầu tư. Các dự án đầu tư tập trung các lĩnh vực: điện tử, sản xuất sản phẩm từ nhựa, cơ khí, sản xuất vật liệu mới…; chủ yếu sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang sử dụng khoảng 174.000 lao động, trong đó lao động người nước ngoài khoảng 5.000 người, lao động ngoại tỉnh khoảng 52.600 người. Thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiếu điện, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp trước mắt và lâu dài về cung cấp điện đầy đủ, liên tục và ổn định cho khu công nghiệp.
Song song với đó, Chính phủ cần khẩn ban hành các quy định về đầu tư, kinh doanh điện mặt trời áp mái các nhà xưởng trong khu công nghiệp (chỉ bán trực tiếp cho các nhà máy, không bán lên lưới điện của điện lực), ông Cường đề nghị.