Kể từ khi ra đời tới nay, lễ hội Venice được tổ chức để đón chào mùa xuân và năm mới. Mặc dù trên thế giới có biết bao nhiêu lễ hội hóa trang nhưng lễ hội ở Venice vẫn được đánh giá là hấp dẫn nhất và là đỉnh cao của loại hình này. Đây thực sự là một bữa tiệc đậm chất lịch sử, truyền thống, đầy ngoạn mục và hoành tráng. Ngày nay, có khoảng 30 ngàn người tới Venice mỗi ngày để tham dự sự kiện vui vẻ đó.
Lễ hội hóa trang Venice chính thức bắt đầu vào năm 1296, khi Thượng viện ban hành sắc lệnh công nhận lễ hội trước khi bước vào mùa chay (của Thiên chúa giáo). Sau một thời gian gián đoạn khoảng gần 2 thế kỷ, chính quyền đô thị tự trị đã khôi phục lại lễ hội vào năm 1980. Kể từ đó cho đến nay, nó được tổ chức đều đặn và năm nào cũng thành công rực rỡ. Mỗi năm có một chủ đề riêng, thể hiện quan điểm, cách nhìn khác nhau nhưng tựu chung đều xoay quanh sự đa dạng của văn hóa hoặc đơn giản là tạo ra một cuộc trình diễn ngoạn mục, thanh khiết. Chủ đề của năm 2010 vừa qua là “Sensation” (Cảm giác).
Năm 2011 này, lễ hội diễn ra từ ngày 27.2 đến 9.3. Thời điểm đó, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc mặt nạ độc đáo và rất nhiều trang phục cầu kỳ. Mặt nạ có thể được làm bằng da hoặc với công nghệ thủy tinh nguyên bản. Những chiếc mặt nạ ban đầu được thiết kế và trang trí khá đơn giản và thường mang tính biểu tượng. Ngày nay, phần lớn mặt nạ được làm nhờ ứng dụng của thạch cao hay lá vàng. Tất cả đều được vẽ bằng tay và sử dụng lông chim và đá màu để trang trí.
Trong suốt thời gian hai tuần, quảng trường St. Mark, các rạp hát, đường phố và tòa nhà công sở trở thành sàn diễn của các diễn viên, người làm xiếc, vũ công, nhạc sĩ... đưa con người trở về với không khí của thế kỷ XVII.
Với những chiếc mặt nạ cầu kỳ và không lặp lại, mỗi người “biến hóa” thành những nhân vật mà mình yêu thích. Đó có thể là những chàng hiệp sỹ hào hoa hay các công nương quý tộc duyên dáng, thậm chí là các nhân vật xấu xí, quái dị tùy theo cá tính của từng người. Tuy nhiên, cái đẹp và nhân văn của lễ hội là đằng sau tấm mặt nạ, mọi người đều bình đẳng như nhau, không phân biệt sang hèn, đẳng cấp, học thức. Có lẽ chính vì điều đó, lễ hội Venice đã tồn tại được lâu dài và được đông đảo quần chúng tham gia nhiệt tình.