Giáo viên tự bồi dưỡng kiến thức qua mạng

Khắc phục tình trạng “tam sao thất bản”

- Thứ Năm, 17/06/2021, 07:12 - Chia sẻ
Trong khi một vài buổi học trực tiếp tập trung khó có thể khiến học viên lĩnh hội trọn vẹn kiến thức và ghi nhớ lâu dài thì việc tự bồi dưỡng qua mạng với học liệu được cung cấp đầy đủ giúp giáo viên, cán bộ quản lý có thể nghiên cứu thuận tiện nhiều lần, vào mọi lúc, mọi nơi. Mô hình bồi dưỡng mới với việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, đã khắc phục được tình trạng “tam sao thất bản”, rơi rụng kiến thức sau mỗi lần tập huấn.

Thích ứng với yêu cầu mới

Thay vì bồi dưỡng trực tiếp, tập trung, các giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà sẽ truy cập vào nguồn học liệu mở trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) đề tự bồi dưỡng với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Đánh giá cao chất lượng tài liệu các modul, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn số 2 (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) Trần Thị Xuân cho biết, tài liệu được biên soạn công phu, khoa học, trình bày bắt mắt, thông tin ngắn gọn, súc tích, giúp người học dễ nắm bắt kiến thức. Học liệu sử dụng đa dạng phương thức truyền tải, có cả kênh chữ (word), kênh hình (video, infographic). Các video trình chiếu tuần tự ứng với từng nội dung cần nghiên cứu buộc người học phải xem hết video mới hoàn thành phần bài tập.

Trong các video có chốt chặn là các câu hỏi ứng với mỗi phần vừa xem. “Hoàn thành câu hỏi này, học viên mới được học tiếp nội dung mới. Điều đó vừa giúp kiểm soát được chất lượng và tiến độ học, vừa giúp người học nghi nhớ được tốt hơn các nội dung vừa nghiên cứu xong, tránh bị trôi kiến thức như xem video thông thường”, Hiệu trưởng Trần Thị Xuân nói. Cô Xuân cũng đồng thời ghi nhận việc tài liệu luôn cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp giáo viên, cán bộ quản lý không bị “tụt hậu” so với các yêu cầu mới.

Mô hình bồi dưỡng trực tuyến theo Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) với việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, theo các giáo viên, cán bộ quản lý đã khắc phục được tình trạng “tam sao thất bản”, rơi rụng kiến thức sau mỗi lần tập huấn, đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Cô Trần Thị Phương Hoa, Trường Tiểu học Cương Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cho biết, “trong tuần hoặc bất cứ lúc nào bản thân và đồng nghiệp có băn khoăn về nội dung dạy học, tôi lại vào hệ thống học tập trực tuyến để tìm đọc lại kiến thức trong các modul bồi dưỡng. Trước đây tập huấn 1- 2 ngày là xong. Nay tài liệu có sẵn có thể học đi học lại. Cùng với đó, việc thực hiện song song giữa lý thuyết trong các tài liệu bồi dưỡng với vận dụng thực tế vào các bài dạy trên lớp, cũng giúp chúng tôi học tập hiệu quả, sát với thực tế dạy học hơn”.

Linh hoạt, vượt lên khó khăn

Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè , Lai Châu) có 64 cán bộ, giáo viên, trong đó có 54 người trực tiếp đứng lớp. Một số giáo viên ở các điểm bản xa, việc tiếp cận với công nghệ thông tin còn hạn chế. Vì thế, quá trình bồi dưỡng thường xuyên và tự bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục khó khăn,  Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Vệ Sủ Vũ Văn Viện cho biết, những giáo viên ở đây cứ vừa giảng dạy, vừa tự bồi dưỡng và học hỏi lẫn nhau.

Với những điểm bản vùng sâu, vùng xa như: Sín Chải A, B, C, Tả Phìn, Chà Gá... giáo viên không thể áp dụng công nghệ thông tin được để nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức vì không có internet nên nhà trường buộc phải tổ chức bồi dưỡng tập trung vào những ngày cuối tuần. “Thường thì là chiều thứ 6 và 2 ngày cuối tuần khi giáo viên về trung tâm. Còn người nào có nhà ở thị trấn, cuối tuần họ về thì họ sẽ tự nghiên cứu trên LMS. Vướng mắc đâu họ sẽ thông tin để giáo viên cốt cán, tổ chuyên môn hỗ trợ”, thầy Viện chia sẻ.

Tương tự, tại Quế Phong, một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Thị Hương cho biết, một số điểm trường hiện nay vẫn chưa có điện, không có mạng như điểm trường Tri Lễ 4, Cắm Muộn 2, Huổi Máy, cho nên học trên hệ thống tập huấn, bồi dưỡng qua mạng (LMS) rất vất vả. Ngày cuối tuần các thầy cô giáo phải ra một điểm trường có mạng, có điện để học. Để khắc phục điều này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong phải in tài liệu cho toàn bộ giáo viên để họ tự đọc, tích cực tổ chức cho giáo viên cốt cán cùng với chuyên viên phòng vào điểm trường để hỗ trợ.

Tỉnh Thanh Hóa cũng có 11 huyện miền núi, việc tiếp cận công nghệ thông tin không dễ dàng, do đó, tỉnh đã phải xây dựng nhiều phương án linh hoạt và phù hợp theo tình hình địa phương. Chẳng hạn, đối với giáo viên vùng khó, mỗi nhà trường sẽ trang bị có 1-2 máy tính kết nối mạng mạnh, nhờ đó, một số giáo viên không có máy tính hay điện thoại có thể sử dụng máy tính của nhà trường.

Trước đó, để hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng qua mạng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp với Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) triển khai cung cấp 30.376 tài khoản cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông đại trà (trừ giáo viên môn giáo dục quốc phòng, an ninh và môn ngoại ngữ) tham gia bồi dưỡng modul 1, 2 trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS). Hiện nay, đang tiến hành bồi dưỡng đại trà modul 3 cho 100% giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Thông qua việc linh hoạt vận dụng nhiều biện pháp khác nhau, đến nay, phần đông các thầy cô giáo của các trường trên cả nước đã học xong 3 modul về: Tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông mới; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Minh Anh