Kết nối không gian thông tin - thư viện thống nhất

- Thứ Hai, 13/12/2021, 06:22 - Chia sẻ
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đang tạo cơ hội cho các thư viện kết nối dữ liệu tạo không gian thư viện chung, thống nhất trên cả nước, đồng thời hòa nhập vào không gian thông tin - thư viện của thế giới để có thể tận dụng và chia sẻ nguồn lực thông tin - thư viện phong phú.
Để thư viện số phát triển, cần dùng chung nguồn lực để các thư viện tránh làm lại, gây lãng phí
Ảnh: Hoài Thương

Liên kết tạo siêu dữ liệu

Thư viện đang chịu tác động rất lớn của công nghệ, xu hướng phát triển mới trong hoạt động thư viện là liên kết dữ liệu, hướng tới tất cả phải là dữ liệu quốc gia để mọi người có thể sử dụng. Qua đó, cho phép hoạt động liên thông giữa các thư viện công lập với thư viện ngoài công lập, giữa thư viện thuộc các loại hình với nhau, giữa các thư viện có cùng chuyên ngành hoặc cùng lĩnh vực, giữa thư viện các trường đại học với thư viện thuộc các viện nghiên cứu, giữa thư viện với các tổ chức, cơ quan có liên quan…

TSKH. Nguyễn Thị Đông, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Viện Khoa học thống kê, Tổng cục Thống kê cho rằng: Cần xây dựng thư viện điện tử/thư viện số quốc gia, tạo lập môi trường điện tử/số, tự động hóa việc thu thập, xử lý, lưu trữ, bảo quản và phục vụ thông tin thống nhất trên toàn quốc. Trong đó, tích hợp toàn bộ tài nguyên thông tin của đất nước, cho phép người dùng dễ dàng truy cập và sử dụng. Với mô hình này, mạng lưới thư viện được phát triển bao phủ toàn quốc sẽ không mang nặng hình thái vật lý (thư viện truyền thống) mà ở hình thái điện tử/số (phi vật lý).

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ở nước ta, hoạt động liên thông thư viện còn manh mún, chủ yếu thực hiện trong hệ thống thư viện của từng lĩnh vực, chưa tận dụng được cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ nguồn tài nguyên, gây lãng phí. Theo Giám đốc Thư viện Quân đội Trần Thị Bích Huệ, hiện nay, một số thư viện hoạt động theo chế độ cục bộ, khép kín từng đơn vị. Nhìn chung, các thư viện chưa thiết lập được nguồn lực thông tin thống nhất, chưa có tiếng nói chung trong việc chọn công nghệ và xây dựng chiến lược phát triển nguồn lực thông tin cho toàn hệ thống, còn mất nhiều thời gian tự xây dựng tài nguyên thông tin, khai thác kho tin, lãng phí trong bổ sung và tổ chức biên mục...

Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội Phạm Quang Quyền cho hay: “Chúng ta có ‘siêu dữ liệu’ nhưng chưa tận dụng được. Trong khi đó, để thư viện số phát triển, cần dùng chung nguồn lực để các thư viện tránh làm lại, gây lãng phí”.

Chủ động bổ sung kho tri thức số

Chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 11.2.2021 đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác. Định hướng đến năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi lúc, mọi nơi.

Chương trình cũng đặt ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển nền tảng số, trong đó xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong và ngoài nước; hợp tác trong bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số.

Trong bối cảnh môi trường internet có tính "xuyên biên giới" hiện nay, theo các chuyên gia, việc liên thông các thư viện số đơn lẻ, kết nối giữa chúng thành một hệ thống liên thư viện để chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách thuận tiện đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể là phần mềm, hạ tầng phần cứng phục vụ hoạt động thư viện phải tương thích với nhau để dễ dàng liên thông; về kỹ thuật công nghệ kết nối liên thư viện; việc tạo lập, lưu trữ và công bố vốn tài liệu thư viện trên môi trường số. Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền tác giả trong môi trường số; cơ chế quản lý mượn liên thư viện có thể phát sinh vấn đề chi phí để kiểm soát và cung cấp dịch vụ...

TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, để phát triển dữ liệu cho thư viện số, thư viện thông minh, bên cạnh chủ động, tích cực số hóa tài liệu, kết nối và có chính sách tài chính bổ sung các tài nguyên số, các thư viện cần tích cực liên kết, liên thông và hợp tác trao đổi các bộ sưu tập số, phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung. Các thư viện cũng cần chủ động phát triển tài nguyên số truy cập mở, thúc đẩy phát triển các cơ sở dữ liệu truy cập mở dùng chung; đồng thời tích cực tìm kiếm và khai thác tối đa các cơ sở dữ liệu truy cập mở trên thế giới, bổ sung và làm giàu kho tri thức số của thư viện mình.

Với hành lang pháp lý chặt chẽ, các vấn đề liên thông được thực hiện toàn diện sẽ làm tăng giá trị, sức mạnh của thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng, tạo điều kiện cho thư viện đóng góp giá trị ngày càng lớn hơn với sự phát triển của xã hội.

Ngọc Phương