Bảo tồn, phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co

Kết nối cộng đồng di sản

- Thứ Hai, 28/12/2020, 07:02 - Chia sẻ
Không chỉ là một trò chơi mang tính thể thao, kéo co bắt nguồn từ nghi lễ thiêng trong các lễ hội truyền thống, gửi gắm niềm tin, khát vọng ấm no hạnh phúc của cư dân nông nghiệp. Di sản này có tại nhiều địa phương của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Sự kết nối cộng đồng thực hành bước đầu đã được thực hiện, nhằm tạo tác động tích cực trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản.

Kéo” cho mưa thuận gió hòa

Kỷ niệm 5 năm UNESCO ghi danh Nghi lễ và trò chơi kéo co tại 4 nước Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia, Philippines vào danh sách Di sản văn hóa vật thể đại diện của nhân loại, cuối tuần qua, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổ chức tọa đàm “Cộng đồng nghi lễ và trò chơi kéo co 2020”. Đây là dịp hội tụ đông đảo cộng đồng thực hành nghi lễ và trò chơi này ở nước ta.

	Nghi lễ và trò chơi kéo co gắn với niềm tin của cư dân nông nghiệp - Ảnh CCH
Nghi lễ và trò chơi kéo co gắn với niềm tin của cư dân nông nghiệp 
Ảnh CCH

Nghi lễ và trò chơi kéo co có mặt ở khắp các vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt gắn với nền văn minh lúa nước. Di sản này được thực hành rộng rãi nhất ở cộng đồng người Kinh các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội và cộng đồng người Tày, Thái, Giáy tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam... Mỗi nơi, cộng đồng đặt tên gọi khác nhau như kéo co, kéo co ngồi, kéo mỏ hay kéo song… với quy tắc, cách tổ chức đa dạng và khác biệt, tuy nhiên, đều mang ý nghĩa gắn kết, giữ gìn và phát huy các giá trị của cộng đồng.

Ông Trần Minh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ: Lễ hội kéo song (do vật dùng để kéo làm bằng song) là một trò chơi cổ truyền, biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước. Trò chơi này từng được nhiều làng thuộc huyện Bình Xuyên tổ chức trong lễ hội đầu xuân như Ngoại Trạch, Quất Lưu, Sơn Lôi, Thanh Lãng... Nhưng duy trì trò chơi ấy đến nay chỉ còn lại ở thị trấn Hương Canh. Riêng ở Hương Canh, Lễ hội kéo song được tổ chức hàng năm nhằm ôn lại cảnh thao lược thủy quân của Ngô Quyền trên sông Cà Lồ - Hương Canh năm 938...

Còn theo ông Nguyễn Văn Trình, đại diện cộng đồng thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh: Kéo co diễn ra vào ngày mồng 4 tháng Giêng trong lễ hội làng, một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất của vùng Kinh Bắc. Sau khi các lễ rước bài vị Thành hoàng, rước nước và lễ tế thần được tổ chức, kéo co được diễn ra mang theo ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, Sóc Sơn, Hà Nội, có tục kéo mỏ (dùng vật kéo bằng tre buộc 2 đầu gọi là mỏ) - một trong bốn trò diễn mang tính nghi lễ trong hội đền Vua Bà ở làng, tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch. Tại lễ hội đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội, cộng đồng còn lưu giữ và thực hành kéo co ngồi. Kéo co cũng được đồng bào người Tày, Giáy cư trú ở các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương và thành phố Lào Cai tổ chức vào dịp lễ hội xuống đồng (Lồng tồng của người Tày, Roóng Pọc của người Giáy)...

Nghi lễ và trò chơi này cũng được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm ở xã Lũng Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, để tưởng nhớ nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh - người tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán. Đáng chú ý, đây là nơi mới được các nhà nghiên cứu phát hiện sau khi hồ sơ di sản được UNESCO ghi danh.

Liên kết cộng đồng kéo co Việt

Sau khi được UNESCO ghi danh, một số địa phương tham gia xây dựng hồ sơ đã có các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co. TS Dương Tuấn Nghĩa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Sở đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, gắn bảo vệ di sản với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở các địa phương, trong đó có kéo co; giáo dục, nâng cao nhận thức và chương trình thông tin hướng tới công chúng nói chung, giới trẻ nói riêng. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm kê, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống liên quan đến kéo co; xây dựng kéo co trở thành một hoạt động văn hóa chính trong lễ hội Xuống đồng dân tộc Tày, lễ hội Roóng Poọc dân tộc Giáy...

Kể từ khi được UNESCO ghi danh, một số hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về Nghi lễ và trò chơi Kéo co đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, thực hiện với mục đích hỗ trợ cộng đồng kéo co trong việc nâng cao nhận thức công chúng nói chung và phát huy giá trị di sản này trong đời sống đương đại. Trong đó, nổi bật là các hoạt động hợp tác với thành phố Danjin, Hàn Quốc, bao gồm các dự án nghiên cứu, xuất bản, hội nghị chuyên đề và giao lưu trình diễn.

Tại tọa đàm, đại diện cộng đồng kéo co các tỉnh, thành phố mong muốn tăng cường kết nối, giao lưu giữa các địa phương, thảo luận và thống nhất thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam, trong đó có cả các cộng đồng đã tham gia và chưa tham gia các hồ sơ đề cử... PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định: 5 năm qua, với sự ghi nhận của thế giới, Việt Nam đã quan tâm thực hiện trách nhiệm của mình với di sản, nhưng điều chưa làm được là sự liên kết cộng đồng kéo co ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, ở các dân tộc. Hội nhận thấy cần liên kết, động viên khuyến khích cộng đồng cùng trao đổi kinh nghiệm, thông tin, đồng thời liên kết với cộng đồng kéo co các nước Hàn Quốc, Philippines, Campuchia, chung tay bảo vệ và phát huy di sản kéo co của Việt Nam và thế giới.

Cùng với kéo co ở Việt Nam, ở Campuchia có hình thức tương tự được gọi là Lbaeng Teanh Prot, Hàn Quốc là Juldarigi, ở Philippines là Punnuk. Kéo co ở các cộng đồng thường diễn ra trong lễ hội mùa xuân, khởi đầu cho một chu kỳ mùa vụ mới. Sự cạnh tranh và sức mạnh thể hiện trong kéo co biểu trưng cho các thế lực tự nhiên ảnh hưởng lớn đến nghề trồng lúa như mặt trời, đất và nguồn nước.

Ngọc Phương