Theo Chi cục ATVSTP tỉnh Gia Lai, kết quả điều tra, xác minh cho thấy, ngày 15.6, Trường THPT Chi Lăng tổ chức ăn tại bếp ăn tập thể cho 400 người (gồm 345 học sinh tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và 55 cán bộ giáo viên, người lao động của trường).
Bữa ăn ngày 15.6 gồm có bánh canh, xôi (buổi sáng); cơm, sườn heo chiên, canh rau má, cải thảo xào (buổi trưa) cơm, thịt gà chiên, canh rau cải ngọt, cải thảo xào (chiều tối).
Ngày 15.6 là ngày cuối tuần nên nhà trường cho phụ huynh mang thực phẩm là đồ ăn bên ngoài vào trường cho học sinh. Qua điều tra 400 người ăn, có 19 người (là học sinh) xuất hiện các triệu chứng đau bụng, đi cầu phân lỏng, một số bệnh nhân sốt nhẹ. Điều tra trực tiếp 18 bệnh nhân điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn TP. Pleiku cho thấy, có bệnh nhân không ăn đủ 3 bữa vẫn xuất hiện triệu chứng đau bụng, đi cầu phân lỏng. Kết quả phân tích mẫu phân của bệnh viện tiếp nhận các học sinh không phát hiện vi khuẩn Samonella.
Chi cục ATVSTP tỉnh Gia Lai đã niêm phong toàn bộ thực phẩm là thức ăn ngày 15.6 do Trường THPT Chi Lăng lưu gồm sườn heo chiên, canh rau má, cải thảo xào, thịt gà chiên, canh rau cải ngọt, cải thảo xào gửi Trung tâm kiểm nghiệm An toàn thực phẩm - Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kiểm nghiệm xác định nguyên nhân.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, mẫu gà chiên và sườn chiên không phát hiện vi khuẩn E.coli và Samonella. Mẫu canh cải thảo, cải thảo xào, canh cải ngọt, canh rau má cũng không phát hiện vi khuẩn Samonella. Riêng đối với mẫu canh rau má, vi khuẩn E.coli vượt quá giới hạn cho phép theo QCVN 8-3:2012/BYT đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm. Tuy nhiên, qua trao đổi với Trung tâm kiểm nghiệm An toàn thực phẩm, mẫu thức ăn lưu không đủ để định danh chủng E.coli trong thực phẩm.
Các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhận định, dựa trên triệu chứng của các bệnh nhân hầu hết có triệu chứng nhẹ thoáng qua và không phù hợp với các triệu chứng theo tài liệu chuyên sâu về nhóm E.coli gây bệnh.
Bên cạnh đó, E.coli phân lập được trên mẫu thực phẩm là E.coli thông thường và không đủ mẫu để định danh xác định chủng E.coli gây bệnh do đó chưa đủ căn cứ để kết luận.
Về mẫu bệnh phẩm phân lập được 03/03 mẫu bệnh phẩm dương tính với E.coli, tuy nhiên không phân lập được chủng gây bệnh, kết quả chỉ định danh chứ không định lượng do đó cũng không đủ căn cứ để kết luận E.coli là căn nguyên.
Qua hồi cứu hồ sơ điều tra, kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm và bệnh phẩm không đủ căn cứ để kết luận đây là vụ ngộ độc thực phẩm.
Liên quan đến vụ việc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cũng đề nghị Chi cục ATVSTP tỉnh Gia Lai tham mưu cấp có thẩm quyền giám sát lại toàn bộ quy trình sơ chế, chế biến thực phẩm, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, người tham gia chế biến thực phẩm tại Trường THPT Chi Lăng để xác định nguồn ô nhiễm E.coli trong mẫu canh rau má vượt ngưỡng cho phép tại QCVN 8-3:2012/BYT đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm.