“Nhường cơm sẻ áo” để... nuôi Jazz
- Khác với những chương trình riêng trước đây như:“Quyền Văn Minh và bạn bè với nhạc jazz” đến “Cha, con và jazz”… vì sao lần này ông lại quyết đứng lui lại phía sau trong đêm nhạc kỷ niệm 20 năm thành lập CLB Bình Minh Jazz do mình sáng lập và không ngừng lao tâm khổ tứ bao năm qua?
- Có câu “tre già măng mọc”, vì vậy tôi muốn đêm nhạc là một cuộc chuyển giao thế hệ chứ không phải tôn vinh cá nhân. Jazz Việt cần được nhìn nhận như một dòng chảy xuyên suốt, từ những nghệ sĩ jazz kỳ cựu đến lớp tài năng nhí, chứ không chỉ là hoạt động riêng lẻ của một vài cái tên nổi trội. Phần xuất hiện của tôi do đó chỉ chiếm 3/20 tiết mục, còn lại do dàn kèn 50 cây và các thế hệ học trò của tôi trình diễn.
50 năm theo đuổi âm nhạc, trong đó có 20 năm là dành trọn tâm sức cho hành trình jazz trong tôi tới lúc này không chỉ là đam mê mà đã trở thành lý tưởng và lẽ sống. Dù để đi đến cùng niềm đam mê đó, lắm lúc tôi đã phải trả giá bằng sự cô độc trên hành trình độc đạo, kéo dài suốt nửa thế kỷ qua...
|
- Theo đuổi dòng nhạc được cho là kén khán giả, hút khách Tây hơn là khách Việt, ông đã giải bài toán khó đó như thế nào để không lâm vào ngõ cụt?
- Trong 20 năm cầm cự, CLB Bình Minh Jazz từng phải trải qua 6 lần di dời địa điểm (trong đó có hai lần cháy nhà, khuynh gia bại sản), có những biến cố xảy đến khiến tôi suýt văng ra khỏi quỹ đạo âm nhạc. Để nuôi CLB, một cách chật vật, khi tận tới giờ, nó vẫn thuộc về một bộ phận khán giả hẹp, tôi đã phải chấp nhận đánh đổi về kinh tế. Tôi từng là một tay chơi ô tô, từng 6 lần đổi xe, nhưng giờ thì các nhu cầu vật chất đều gần như ở mức độ tối thiểu, để “nhường cơm sẻ áo” cho “đứa con tinh thần” này. Hai mươi năm trước, để thành lập CLB, tôi đã phải gác lại một số chương trình độc tấu cá nhân cùng nhiều lời mời hấp dẫn khác có thể giúp bảo đảm cuộc sống và duy trì danh tiếng. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của bạn bè vì cho rằng tôi dở hơi, không dưng đâm đầu vào chỗ khó, khát vọng nung nấu tôi lúc đó là phải gầy dựng một sân chơi để tập hợp anh em nghệ sĩ nhạc jazz, nhằm đưa dòng nhạc này đến với rộng dài công chúng. Song song, là nỗ lực đầu tư cho cậu con trai duy nhất - Quyền Thiện Đắc theo học saxophone tại ngôi trường danh tiếng Berklee (Mỹ), để giúp jazz Việt có được một cánh cửa nhìn ra thế giới. Sau 20 năm, mặc dù vẫn chật vật để tồn tại, nhưng Bình Minh Jazz vẫn kiên cường duy trì được lịch diễn đều đặn vào mỗi tối tại số 1 Tràng Tiền (thuê của Nhà hát Kịch Việt Nam, nằm ngay sau Nhà hát Lớn Hà Nội)...
“Đừng gọi tôi là bố, nếu...”
- Hãy nhớ lại, ông đã bị Jazz quyến rũ như thế nào?
“Khát vọng của tôi là một ngày nào đó sẽ xuất khẩu được ra thế giới một thứ jazz thuần Việt. Dù vẫn biết là sẽ còn rất lâu nữa, Việt Nam mới có được một đội ngũ nghệ sĩ chơi jazz bài bản và chuyên nghiệp... ” NSƯT Quyền Văn Minh |
- Ấy là năm tôi 14 tuổi, trong một lần đến nhà người anh chơi thì được rủ lên gác nghe nhạc và ngay lập tức “ngã lòng” vì một đĩa nhạc jazz. Vì thế mà từ một người chơi guitar, tôi đã mày mò tự học saxophone và lao vào tìm hiểu sâu hơn về nhạc jazz rồi trở thành người đầu tiên mang jazz về Hà Nội; cũng chính là người đã sáng lập nên ngành saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (1989)...
- 50 năm làm nghề và 20 năm dồn tâm huyết cho Bình Minh Jazz Club, điều khiến ông trăn trở nhất là gì?
- Là khái niệm “Jazz Việt”, kiến tạo bản sắc riêng cho Jazz Việt. Làm cách nào để chuyển hóa những giai âm truyền thống của Việt Nam, bằng các nhạc cụ phương Tây và ngôn ngữ riêng có của jazz. Thử nghiệm đã khó, hình thành và thay đổi thói quen thưởng thức của công chúng, nhất là công chúng Việt lại càng khó hơn. Cũng mừng là gần đây, khán giả trẻ đã tìm đến với jazz nhiều hơn. Nguyên nhân hẳn là do các “món ăn” quen thuộc khác đã trở nên bão hòa và jazz Việt đã bắt đầu kiến tạo được bản sắc riêng. Khát vọng của tôi là một ngày nào đó sẽ xuất khẩu được ra thế giới một thứ jazz thuần Việt. Dù vẫn biết là sẽ còn rất lâu nữa, Việt Nam mới có được một đội ngũ nghệ sĩ chơi jazz bài bản và chuyên nghiệp...
- Chứng kiến cuộc vật lộn của ông để giữ được cho jazz Việt một chỗ đứng xứng đáng trong dòng chảy lắm khi vô tình của nhạc Việt, Quyền Thiện Đắc - con trai ông đã bao giờ bị nao núng, bởi cái nhìn thực tế hơn của một người trẻ, được học hành bài bản?
- Đắc từng tính chuyện ở lại Mỹ để làm nhạc công cho Thúy Nga Paris, nhưng tôi bảo: “Nếu được mời ở lại trường dạy, hoặc được mời trình diễn tại thánh địa nhạc jazz New Orleans, tuần một tối, thì anh có thể tự quyết định, không cần hỏi bố”. Hai điều đó là không tưởng, nên Đắc nghe lời bố trở về. Tới lúc về nước, lại cũng không ít bận bị hoang mang dao động, vì sức ép cơm áo gạo tiền. Đến nước đó, tôi mới dằn giọng bảo: “Bố cho anh đi học ở một trong những trường đỉnh cao về âm nhạc thế giới là để anh thay bố tiếp tục con đường duy trì jazz Việt và dạy saxophone ở Việt Nam. Còn nếu chỉ để đi đệm đàn cho ca sĩ hạng C mà gọi đó là nghệ thuật thì anh đừng gọi tôi là bố nữa”. Nhờ điểm tựa tinh thần ấy, Đắc đến nay đã là “thuyền trưởng mới” tiếp tục duy trì hoạt động Bình Minh Jazz Club và khoa kèn saxophone. Nhưng tham vọng của tôi không chỉ là riêng mỗi “truyền nhân” ấy, trên hành trình độc đạo mà tôi đã đi trong suốt nửa thế kỷ qua. Để Jazz Việt có thể phát triển và lan tỏa hơn, cần thêm nữa nhiều dấu chân trên ngả đường đầy chông gai ấy...
- Xin cảm ơn ông!