Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của đất kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay, Gs Sasaki Yasuhito - Tùy viên giao lưu văn hóa của Nhật Bản - đã cắm hoa Ikebana và thực hiện lễ dâng hoa để tỏ lòng tôn kính đối với Khổng Tử và các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, nhà hiền triết, nhà sư phạm mẫu mực của nước Việt... Lễ dâng hoa, với những bông cúc vàng rực rỡ, còn có sự tham gia của các nữ sinh Hà Nội và du khách trong và ngoài nước. Gs Sasaki Yasuhito cho biết, ở Nhật Bản, hoa cúc chính là biểu trưng cho linh hồn, sự sống và sức mạnh. Bông hoa 16 cánh giống như mặt trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của hoàng gia và là quốc huy Nhật Bản, bởi vậy, ông đã chọn hoa cúc để dâng lên các danh nhân văn hóa.
Lễ dâng hoa bắt nguồn từ nghi lễ Phật giáo. Đây cũng là khởi nguồn của nghệ thuật Ikebana khi tôn giáo này được truyền vào Nhật từ thế kỷ thứ VI. Khi ấy, trong các dịp lễ ở đền, chùa, người ta thường dâng hoa cúng Phật, hay cho các linh hồn người đã khuất, để tưởng nhớ lẽ vô thường, sự ngắn ngủi của cuộc sống. Ban đầu, bình hoa được cắm theo nguyên tắc cân xứng: nhiều cành hoa có độ dài bằng nhau, cùng màu sắc và ở vị trí đối xứng. Cách cắm hoa này hiện vẫn còn thông dụng tại nhiều nơi. Sau đó, nhận thấy lối cắm hoa ấy không thể hiện được vẻ đẹp tự nhiên của hoa lá, các ni sư trong một số ngôi chùa đã có những cách làm mới. Và dâng hoa cúng Phật đã tiến một bước dài để trở thành Hoa đạo, nét văn hóa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc.
Khi cắm hoa đã được nâng lên thành nghệ thuật, lễ dâng hoa vẫn thường diễn ra tại các ngôi chùa ở Nhật Bản. Ở những đền, chùa lớn, như đền Ise, hiện nay vẫn làm lễ dâng hoa ở một thời điểm nào đó trong năm, hoặc trong những sự kiện đặc biệt. Không chỉ vậy, nghi lễ này cũng được các chi hội hoa đạo ở Nhật Bản thực hiện. Theo Gs Sasaki Yasuhito, Hội hoa đạo Ikenobo, trường phái đầu tiên và cổ nhất của nghệ thuật cắm hoa Ikebana, hàng ngày vẫn tổ chức lễ dâng hoa tại ngôi chùa có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản, được coi là nguồn cội của Ikenobo. Lễ dâng hoa thường diễn ra vào buổi sáng, hoặc đầu giờ chiều, gồm nhiều công việc, nhưng cơ bản có thể chia thành các bước: chuẩn bị dụng cụ, hoa; cắm hoa; dâng hoa lên Phật và thần linh; lễ bái và cầu nguyện. Những người tham gia đặc biệt chú trọng từ khâu chuẩn bị dụng cụ như bình, chông cắm, hoa lá, đến cách cắm hoa. Trình tự công việc và thứ tự người tham gia cắm hoa cũng rất quan trọng...
Lễ dâng hoa được duy trì tại Nhật Bản đã góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống của Ikebana. Bởi như Gs Sasaki Yasuhito chia sẻ, thực hiện nghi lễ này, người dâng hoa dành tấm lòng thành kính để cảm tạ thần linh và những người đi trước, qua đó có ý thức giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo này.