Toàn huyện Điện Biên có 26 trường mầm non với 26 điểm trường chính và 87 điểm trường lẻ, 303 nhóm/lớp, trong đó, nhà trẻ 89 nhóm/lớp, mẫu giáo 214 lớp, riêng lớp mẫu giáo 5 tuổi 114 lớp. Tổng số trẻ đi học là 7.005 trẻ, trong đó nhà trẻ 1.891 trẻ, mẫu giáo 5.114 trẻ, riêng trẻ 5 tuổi 1.708 trẻ.
Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi đạt 56,2%; tỷ lệ huy động trẻ mầm non 3 - 5 tuổi đạt 99,9%. Đây là con số ấn tượng đối với một huyện miền núi, biên giới. Bởi theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp của Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo mới đây, hiện nay tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi toàn quốc đạt 93,1%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động đạt 99,8% (còn khoảng 300.000 trẻ mẫu giáo chưa được ra lớp tương ứng 6,9% trẻ mẫu giáo). Hiện có 32/63 tỉnh đã huy động đạt từ 95% trở lên.
Có được kết quả này, theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đặng Quang Huy, là nhờ cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, được sự hỗ trợ của các tổ chức, mạnh thường quân. “Chúng tôi mở điểm trường lẻ đến tận bản. Ở đâu có dân, ở đó có lớp. Không còn phòng học tạm, ít nhất là bán kiên cố. 100% điểm trường có điện”.
Về cơ sở vật chất, tổng số phòng học ở bậc học mầm non trên địa bàn huyện Điện Biên là 303 phòng, trong đó 235/303 phòng kiên cố, tỷ lệ 77,5%; 68/303 phòng bán kiên cố, tỷ lệ 22,4%; bảo đảm tỷ lệ 1 lớp/phòng học. Tổng số phòng chức năng là 50 phòng, trong đó 30/48 phòng kiên cố, tỉ lệ 62,5%; 18/48 phòng bán kiên cố, tỉ lệ 37,5%... 100% các lớp mẫu giáo đủ thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi tối thiểu theo quy định.
Về giáo viên, năm 2024, huyện Điện Biên giao cho các trường mầm non 645 biên chế. Tính theo định mức quy định còn thiếu 130 biên chế.
Tuy nhiên, ông Huy cho biết, khó khăn đối với bậc học này trên địa bàn là một số điểm trường vùng đặc biệt khó khăn chỉ có 1 cô/lớp. Số lượng trẻ các độ tuổi ít, phải thực hiện chương trình lớp ghép nhiều độ tuổi nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nguyên nhân chính là do dân cư phân bố không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, số lượng trẻ các độ tuổi ít, không đủ để sắp xếp được thành lớp đơn.
Một số điểm trường vùng đặc biệt khó khăn, trẻ ăn bán trú tại trường chủ yếu bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước và của các tổ chức từ thiện, vì vậy chưa bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ.
Một số giáo viên mầm non tại các điểm trường vùng khó khăn làm việc quá thời gian định mức quy định nhưng không được tính thời gian làm thêm vì vướng mắc các văn bản quy định về việc thực hiện chế độ tăng giờ; một số trường giáo viên phải kiêm nhiệm công tác văn thư, thủ quỹ…
Huyện Điện Biên kiến nghị nâng mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non dạy ở điểm trường lẻ, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Có chế độ dạy lớp ghép riêng đối với giáo viên mầm non như chế độ dạy lớp ghép của giáo viên tiểu học…
Nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ để bảo đảm khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ và phù hợp với giá cả thị trường và có chính sách hỗ trợ ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ nhà trẻ như trẻ mẫu giáo.
Có chế độ hỗ trợ trông trưa cho giáo viên mầm non và có chế độ hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn ở tất cả các trường mầm non có tổ chức nấu ăn bán trú ngoài các đối tượng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp để huy động trẻ mẫu giáo ra lớp, tăng tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần. Tổ chức cho 100% trẻ được ăn bán trú tại trường và được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, lồng ghép các chương trình dự án khác nhau trên cùng một địa bàn và huy động các nguồn từ nhân dân để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo…