Huyện đảo Phú Quốc đủ điều kiện nâng cấp lên thành phố

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 16:27 - Chia sẻ
Ngày 14.11, dưới sự điều hành của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 31.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng; đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án Nhân dân tối cao…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 31.

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đã nghe Tờ trình của Chính phủ và ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về Đề án thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố này thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Chính phủ đề nghị thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Phú Quốc hiện nay; Thành lập phường Dương Đông trên nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số thị trấn Dương Đông; Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Hòn Thơm vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới.

Chính phủ nêu rõ, đối chiếu với quy định của Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, huyện Phú Quốc đáp ứng đủ tiêu chuẩn về dân số, diện tích tự nhiên. Huyện Phú Quốc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn 9 đơn vị hành chính cấp xã, trong khi quy định hiện hành yêu cầu 10 đơn vị trở lên, nhưng với đơn vị hành chính hải đảo chỉ phải đáp ứng 20% tiêu chuẩn theo quy định. Như vậy, việc thành lập đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nguyên trạng không cần áp dụng về số đơn vị hành chính trực thuộc, nhưng nếu đánh giá thì vẫn đạt. Huyện Phú Quốc cũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, theo Quyết định số 1676/2014.

Toàn cảnh Phiên họp

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, khu vực dự kiến thành lập thành phố Phú Quốc đã đáp ứng các tiêu chuẩn về cân đối thu, chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất, tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế… Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất thành lập thành phố Phú Quốc. Lý do là bởi, tuy các đơn vị hành chính cần có quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị theo lộ trình từ huyện lên thị xã (mức độ đô thị hóa vừa phải), sau đó lên thành phố thuộc tỉnh (mức độ đô thị hóa cao hơn), song huyện Phú Quốc hiện đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của một đô thị. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, huyện đảo Phú Quốc có 50,22% diện tích rừng và khu vườn quốc gia Phú Quốc, là nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức quan trọng, không chỉ có giá trị về mặt du lịch mà còn về quốc phòng, an ninh. Do vậy, UBND tỉnh Kiên Giang cần đầu tư xây dựng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị cho thành phố Phú Quốc, trong đó cần xác định định hướng phát triển có khác biệt nhất định với các đô thị khác trên cả nước (cần theo mô hình đô thị du lịch sinh thái).

Một số ý kiến trong Thường trực Pháp luật có ý kiến băn khoăn khi theo hồ sơ Đề án thì thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có hai phường không liền kề, tiếp giáp nhau, khiến khu vực nội thị của thành phố bị cắt khúc, ảnh hưởng đến tính thống nhất, liên thông, đồng bộ của hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Song, nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị, nên phát triển đô thị tại hai phường được thành lập, không phát triển sang địa bàn xã lân cận. Thay vì đô thị hóa quá mức sau khi nâng cấp lên thành phố Phú Quốc, nhiều ý kiến gợi mở, chính quyền địa phương cần nghiên cứu phát triển diện tích rừng ở một số xã ở giữa hai phường này. Chính phủ cũng cần chỉ đạo tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc chú trọng phát triển mô hình rừng giữa đô thị để có sự chỉ đạo thống nhất trong quá trình phát triển đô thị tại địa bàn này.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn giải trình tại Phiên họp

Giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, dù chính quyền của huyện đảo này đang tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn, nhưng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý đang thực hiện như mô hình chính quyền đô thị. Đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền huyện đảo được lựa chọn, đào tạo, phát triển đã đáp ứng yêu cầu quản lý hiện nay. Nói cách khác, nếu thành phố Phú Quốc được thành lập, đội ngũ cán bộ, công chức hiện hành đáp ứng được các yêu cầu quản lý đô thị. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong thời gian tới, cần quan tâm đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho đội ngũ này để đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần phát triển thành phố Phú Quốc.

Quang Khánh