Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Huy động sức mạnh từ nhiều nguồn lực

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 06:25 - Chia sẻ
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Nội thời gian qua đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, được hệ thống chính trị và đông đảo Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Nguồn lực xây dựng NTM cũng được huy động từ sức mạnh của nhiều tổ chức, tập thể, cá nhân, người con của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục khơi gợi, huy động thêm các nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với các tiêu chí cao hơn và đòi hỏi nguồn vốn nhiều hơn.

Ưu tiên mọi nguồn lực

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội Khóa XVI về Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020 đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề vững chắc hướng đến mục tiêu hiện đại hóa nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến hết năm 2020, toàn thành phố có 355/382 xã đạt chuẩn NTM, đạt gần 93% tổng số xã trên địa bàn; 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Không chỉ về đích trước 2 năm chỉ tiêu xây dựng xã NTM mà đến hết năm 2020, Hà Nội còn là một trong những địa phương có số xã đạt chuẩn NTM nằm trong tốp đầu cả nước với 7 huyện, thị được công nhận và 6 huyện khác đang trình hồ sơ để Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM...

Nhờ huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đã có thêm nhiều con đường khang trang, sạch đẹp hơn được đưa vào sử dụng

Những kết quả đó nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị của thành phố khi luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho xây dựng NTM. Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã từng chia sẻ, mặc dù là Thủ đô nhưng Hà Nội có số xã rất lớn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhiều. Do vậy, thành phố đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ những cơ chế, chính sách và chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để chương trình xây dựng NTM triển khai theo đúng định hướng, các địa phương cũng đã ý thức được lợi ích mà Chương trình xây dựng NTM mang lại. Từ đó, tích cực, chủ động trong triển khai, linh hoạt trong huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng NTM. Đáng chú ý, một số quận đã tích cực hỗ trợ các huyện có thêm nguồn kinh phí xây dựng NTM vì mục tiêu chung của Thủ đô.

Theo tổng hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố, giai đoạn 2015 - 2020 với tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, toàn thành phố đã huy động được hơn 61.200 tỷ đồng cho công tác xây dựng NTM. Trong đó, nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, Hà Nội đã vận động được các doanh nghiệp, hợp tác xã và đông đảo tầng lớp Nhân dân ủng hộ nguồn lực hơn 4.800 tỷ đồng nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, 12 quận của thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 686 tỷ đồng.

Có thể thấy, sự chung tay ủng hộ, đồng thuận cao của người dân là yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong xây dựng NTM của Hà Nội đến thời điểm hiện tại. Cũng nhờ nguồn lực lớn từ đông đảo các tầng lớp Nhân dân mà đến nay, Hà Nội không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Nhiều con đường khang trang, sạch đẹp được hoàn thiện, chất lượng đời sống của người dân được nâng lên. Nhiều địa phương đã hoàn thành xây dựng NTM trước thời hạn.

Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng NTM theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Đến nay, đã có 4 quận (Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) đề xuất hỗ trợ cho 5 huyện khó khăn (Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức) thực hiện xây dựng NTM. Việc làm này không chỉ góp phần giúp các huyện về nguồn vốn xây dựng NTM mà còn thể hiện sự tương trợ, gắn kết giữa các quận, huyện trên địa bàn.

Chung sức trên chặng đường mới

Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, bước sang chặng đường mới 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn với 100% huyện đạt chuẩn NTM; 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cấp thành phố. Những mục tiêu đặt ra cao hơn kéo theo nguồn vốn thực hiện cũng phải nhiều hơn. Trong khi đó, Hà Nội vẫn còn một số huyện vùng sâu, vùng xa, huyện thuần nông có nguồn thu hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí ngân sách theo phân cấp địa phương và huy động nguồn vốn xã hội hóa cho xây dựng NTM. Điển hình như tại huyện Mỹ Đức, do chưa thể phát triển công nghiệp, dịch vụ nên nguồn thu ngân sách của huyện còn hạn chế, huy động vốn xây dựng NTM luôn là một vấn đề lớn, trăn trở của lãnh đạo địa phương. Hiện, Mỹ Đức còn 6/21 xã chưa đạt chuẩn NTM do các tiêu chí trường học, nhà văn hóa, đường giao thông chưa bảo đảm. Cùng với Mỹ Đức, nhiều địa phương trên địa bàn cũng đang mong mỏi sự hỗ trợ nguồn lực từ thành phố để thực hiện đạt mục tiêu xây dựng NTM.

Để hiện thực hóa mục giai đoạn 2021 - 2025, theo Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Chu Phú Mỹ, thành phố dự kiến bố trí nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn 89.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí huy động ngoài ngân sách phấn đấu đạt 12.000 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn lồng ghép, từ ngân sách của thành phố và các huyện, thị cân đối bổ sung.

Mới đây, Thành ủy Hà Nội Khóa XVII đã ban hành Chương trình số 04 về Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025. Theo định hướng giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình số 04, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với quy hoạch chung phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng gắn với sản xuất nhằm bảo đảm và đa dạng sinh kế cho người dân.

Nhìn từ thực tiễn, có thể thấy nguồn lực được huy động và phát huy từ nội tại Nhân dân và địa phương vô cùng quan trọng. Do đó, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, mỗi địa phương xây dựng NTM cần lập kế hoạch, lộ trình cụ thể trong huy động nguồn lực; dựa trên điều kiện thực tế của địa phương mình để có hướng khai thác phù hợp các nguồn lực. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy kết quả được thụ hưởng, đời sống được nâng cao nhờ Chương trình xây dựng NTM để có ý thức tự giác tham gia, tự nguyện đóng góp, đồng lòng hợp sức tạo dựng nguồn lực xây dựng NTM và gìn giữ những thành quả đã đạt được. Bên cạnh đó, những huyện và xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cũng cần tuyên truyền để người dân biết rõ về các tiêu chí mới, nguồn kinh phí cần thiết và tính toán, đặt ra các ưu tiên trong quá trình triển khai. Những nội dung này cần được được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai để huy động hiệu quả nguồn lực người dân và sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ các quận đúng mục đích, không lãng phí.

Từ những kết quả đã đạt được cùng với hỗ trợ, chung sức của thành phố và các quận nội thành cũng như những đồng thuận, quyết tâm cao của các địa phương, tin rằng Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục gặt hái được những thành quả ấn tượng hơn nữa, nỗ lực đạt và vượt mục tiêu đã đề ra.

BẢO TRÂM