Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Hướng tới đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững

- Thứ Tư, 07/04/2021, 18:26 - Chia sẻ
Ngày 7.4 tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng (VSTA) cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổ chức Quốc tế và ứng dụng, tiếp thu Công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Đóng góp của ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo là diễn đàn cập nhật và chia sẻ thông tin về ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp trên toàn cầu cũng như đánh giá và xem xét các tác động của việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học thời gian qua ở Việt Nam, từ đó hướng tới đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững.

Tăng năng suất, giảm tác động lên môi trường

Công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp được xem là một trong các thành tự khoa học nổi bật của thế kỷ trước, cho tới nay vẫn đang được chứng minh tính ưu việt bởi số liệu ứng dụng ngày một tăng trên toàn cầu cũng như những tác động kinh tế, xã hội và môi trường tích cực mà công nghệ mang lại cho nông dân, người tiêu dùng và cộng đồng. Theo Giám đốc Viện PG Economics – ông Graham Brookes, tính đến năm 2018, tổng thu nhập gia tăng dành cho nông dân canh tác cây trồng công nghệ sinh học là 19 tỷ USD. Riêng năm 2018, cây trồng công nghệ sinh học giúp hạn chế tổng lượng CO2 thải ra môi trường khoảng 23 tỷ kg. Đối với nông dân, đặc biệt là những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ tại các nước đang phát triển thu được lợi ích rõ ràng từ cây trồng công nghệ sinh học, không chỉ từ việc năng suất cây trồng tăng (từ 10-16,5% tùy loại cây), lợi nhuận tăng (trung bình khoảng 103 tỷ USD/ha) mà còn giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, từ đó giảm bớt tác động lên môi trường khoảng 19%.

	Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Giám đốc ISAAA khu vực Đông Nam Á – TS. Rhodora R. Aldemita thông tin, “năm 2019, tổng cộng có 190,4 triệu ha cây trồng công nghệ sinh học được canh tác góp phần quan trọng vào giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, tính bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như nâng cao đời sống của hơn 17 triệu nông dân ứng dụng công nghệ sinh học cùng gia đình của họ trên toàn cầu. Việt Nam là một trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng cây công nghệ sinh học đạt đến hai con số cùng Philipines và Colombia”.

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VSTA Trần Xuân Định cho biết, “trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, với lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta chứng kiến sự bứt phá của khoa học, đặc biệt là công nghệ sinh học với những phát minh của công nghệ di truyền, công nghệ gen, công nghệ vi sinh… Nhiều cây trồng được tạo ra bằng công nghệ sinh học đã có mặt ở Việt Nam, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Đảm bảo nguồn cung cho chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước

Tại Việt Nam, cây trồng công nghệ sinh học đã được chính thức cấp phép canh tác thương mại từ 2014-2015 trên cây ngô. Ngô cũng là một trong các cây trồng chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nước ta cũng là một trong các quốc gia canh tác ngô nhiều nhất thế giới. Việc đưa các giống công nghệ sinh học thời điểm đó được xem là một trong các công cụ quan trọng giúp tiếp tục nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị và giúp nông dân trồng ngô có thêm lợi nhuận, từ đó củng cố năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung cho chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước.

Năm 2019, tổng diện tích canh tác ngô công nghệ sinh học khoảng 92.000 ha, chiếm 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng hai con số về mặt diện tích trong các năm gần đây cho thấy mức độ chấp nhận của nông dân đối với công nghệ này đang tăng. Cụ thể vào năm 2015, tỷ lệ ứng dụng còn khiêm tốn khoảng 3500 ha chiếm chưa tới 1% tổng diện tích, tới nay diện tích ứng dụng đã tăng hơn 26 lần. Chỉ so sánh riêng giai đoạn 2018-2019, tỷ lệ tăng trưởng là 86%.

Từ năm 2019-2020, VSTA đã tiến hành một nghiên cứu đánh giá và phân tích tác động của cây ngô công nghệ sinh học với các tính trạng chuyển gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ sau 5 năm canh tác. Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn nông dân trồng ngô tại các vùng sản xuất ngô trọng điểm của cả nước. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên ở cấp độ nông hộ tại Việt Nam về cây trồng công nghệ sinh học.  Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VSTA Trần Xuân Định, “nghiên cứu này nhằm có được cái nhìn khách quan hơn về năng suất, lợi ích kinh tế, các tác động xã hội và môi trường của ngô công nghệ sinh học tại Việt Nam sau 5 năm canh tác. Tỷ lệ ứng dụng ngô công nghệ sinh học đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các dịch hại mới gần đây đã cho thấy mức độ chống chịu và thích ứng rất hiệu quả của các giống mới này với điều kiện canh tác ngô trong nước. Đây được xem là công cụ quan trọng giúp nông dân gia tăng thu nhập, góp phần đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi một cách chủ động hơn, đồng thời cải thiện vai trò cây ngồ trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chính sách về ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, hướng tới đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững. Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4.3.2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh họ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Nhận định tương lai về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Định cho biết, theo quyết định số 429/QĐ-TTg ban hành ngày 24.3 vừa qua về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2023, một trong các mục tiêu tới năm 2030 đó là Việt Nam có thể làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới. Từ đó tạo ra sản phẩm quy mô nông nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021-2025. Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là định hướng phát triển chung, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại.

Thảo Anh