Kiên Giang:

Hướng đi chống tái nghèo hiệu quả, bền vững

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 07:00 - Chia sẻ
Có thể khẳng định, hợp tác xã (HTX) có vai trò rất quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, đồng thời còn là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững. Kết quả đạt được của khu vực kinh tế hợp tác, HTX những năm qua trong xóa đói giảm nghèo là rõ nét, đóng góp căn bản cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Kiên Giang.

Tạo việc làm cho người lao động

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang, cả tỉnh hiện nay có hơn 2.112 tổ hợp tác, 419 HTX. Bình quân hơn 5 năm qua, mỗi năm có hơn 80 tổ hợp tác và hơn 50 HTX mới ra đời. Vai trò nổi bật và quan trọng hàng đầu của khu vực HTX là hỗ trợ và thúc đẩy gần 100.000 thành viên là các hộ gia đình phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và thông qua đó góp phần giải quyết những nhu cầu về sản xuất và đời sống, về kinh tế và xã hội, nhất là trong nông nghiệp và nông thôn.

Thực tế cho thấy, nhờ tham gia HTX, các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện ổn định và nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Ở khu vực thành thị, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao chất lượng hàng hóa, kể cả nguồn hàng cho xuất khẩu. Điển hình như HTX sản xuất hữu cơ Rạch Giá, HTX nông sản hữu cơ Kiên Giang (Rạch Giá)…

Ở khu vực nông thôn, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã tạo ra một số thay đổi đáng kể trong quá trình sản xuất nông nghiệp; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn các hộ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất làm tăng giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích. Đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới cho thành viên, người lao động thông qua việc triển khai các dịch vụ phục vụ đời sống và phát triển ngành nghề. Điển hình như HTX nông nghiệp Tân Hưng, HTX nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Châu Thành)…

Bên cạnh đó, một số ngành nghề mới được hình thành, khôi phục hay phát triển, hình thành các khâu dịch vụ, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm..., giúp cho người lao động có việc làm, nhất là tận dụng thời gian nhàn rỗi. Cách hỗ trợ việc làm này đã giúp giảm sức ép về số lượng lao động trực tiếp trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp và như vậy sẽ có tác dụng làm tăng hiệu suất sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn. Điển hình ở mô hình này như HTX Thủ công mỹ nghệ Thuận Phát (huyện Gò Quao), HTX ấp Căn Cứ (huyện Vĩnh Thuận)…

Ở nông thôn, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã tạo ra một số thay đổi đáng kể trong quá trình sản xuất nông nghiệp

Nguồn: ITN

Cung cấp các dịch vụ sản xuất, dịch vụ đầu vào

Tỉnh Kiên Giang xác định mục tiêu xây dựng HTX, liên hiệp HTX là hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong sản xuất tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội một cách bình đẳng để họ tự lực vượt qua nghèo đói, cải thiện cơ bản cuộc sống. Từ đó, nhận thức của một bộ phận người nghèo từng bước được nâng lên, tự giác chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Giúp người dân thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất và trong đời sống, tích cực tham gia học tập và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, tích luỹ kinh nghiệm trong sản xuất.

Đơn cử HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa (xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành) hiện có tổng số thành viên đại diện hộ là 138 thành viên, số lượng lao động là 60 người. HTX hoạt động với diện tích tự nhiên 360,75ha, diện tích lúa 3 vụ là 310.01ha, diện tích vườn và đất thổ cư 22.79ha.

Ngay từ ban đầu, HTX xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương. HTX vận động bà con thành viên góp vốn thuê cơ giới xây dựng bờ bao khép kín kết hợp xây dựng hệ thống giao thông kiên cố, giúp cho hệ thống thủy lợi hiện nay được hoàn chỉnh, ổn định sản xuất 3 vụ lúa/năm. Hơn nữa, HTX còn góp vốn tổ chức các dịch vụ ngành nghề kinh doanh phục vụ hỗ trợ thành viên nâng cao thu nhập giải quyết việc làm, tham gia xóa đói giảm nghèo.

Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa Đoàn Văn Bấu chia sẻ, “HTX mà không có dịch vụ, chỉ tập hợp nông dân để thông báo lịch thời vụ, thuê máy bơm tưới chung, nhưng ruộng mạnh nhà nào nhà nấy làm thì chỉ tồn tại cho có hình thức. Người nông dân đã có đất, có lao động, cái họ cần là dịch vụ phục vụ sản xuất, từ khâu làm đất đến thu hoạch, phơi sấy và cuối cùng là đầu ra của sản phẩm. Thực tế cho thấy, HTX nông nghiệp chỉ phát triển được khi làm tốt các dịch vụ này cho thành viên”.

HTX còn giúp bà con thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào như dịch vụ bơm tát tưới tiêu, dịch vụ thu hoạch, dịch vụ sấy, dịch vụ sản xuất giống để cung cấp lúa giống cho thành viên. Bên cạnh đó, HTX có quỹ hỗ trợ vốn cho thành viên, HĐQT huy động bà con thành viên có tiền nhàn rỗi góp vốn vào hoạt động của quỹ hỗ trợ thành viên HTX. Điều này nhằm giúp đỡ cho bà con còn gặp khó khăn về vốn hoặc khó tiếp cận với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, giúp hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Đồng thời, HTX vận động nông dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái và các loại hoa màu phụ ngắn ngày có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, tận dụng ao trống nuôi cá nước ngọt để cải thiện bữa ăn gia đình; phong trào trồng hoa vạn thọ, hoa huệ, trồng màu trên bờ kênh thủy lợi phát triển mạnh, hiệu quả kinh tế cao.

Có thể khẳng định HTX có vai trò rất quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, đồng thời còn là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững nhất. Kết quả đạt được của khu vực kinh tế hợp tác, HTX những năm qua trong xóa đói giảm nghèo là rõ nét, đóng góp căn bản cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Kiên Giang.

Tâm Anh