Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Hợp lý trong phân bổ danh sách nữ ứng cử viên

- Thứ Ba, 09/03/2021, 04:46 - Chia sẻ
Để bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 như quy định (phấn đấu tỷ lệ trúng cử khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND), cùng với các giải pháp bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ, rất cần tạo điều kiện cho nữ ứng cử viên. Theo đó, ngoài tập huấn, xây dựng chương trình hành động, trong phân bổ danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND cũng cần tính đến sao cho hợp lý, hợp tình.

Tránh cơ cấu nữ mà giới thiệu nam

Vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động chính trị, tham gia nghị trường đã được đề cập từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được quy định trang trọng trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta Hiến pháp 1946. Kế thừa Hiến pháp 1946 và tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, các bản Hiến pháp sau này đã cụ thể hóa sâu sắc hơn trong các quy định. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 2013 đã hiến định sâu sắc hơn quyền của phụ nữ, như quy định về quyền của phụ nữ: Được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2 Điều 26); Được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 36); Được Nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (Khoản 2 Điều 58).

Cần quan tâm phân bổ danh sách nữ ứng cử viên sao cho hợp lý, hợp tình
Ảnh: Bình Nguyên

Qua đánh giá tại các diễn đàn cho thấy, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND trong các nhiệm kỳ vừa qua tại cấp tỉnh, huyện và xã đã được nâng lên. Tuy nhiên, để chạm mốc 35% - 40% như kỳ vọng của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27.04.2007 của Bộ Chính trị vẫn còn khá xa, bình quân chỉ xoay quanh 24 - 27%.

Khoảng cách xa với tỷ lệ quy định về tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ đại biểu HĐND thường xảy ra ở cấp xã, phổ biến là ở các xã vùng sâu vùng xa, những nơi phụ nữ chưa có điều kiện để phát triển cả về học vấn và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng này cũng xảy ra ngay ở các khu vực phát triển, thậm chí là đô thị. Đơn cử như có phường, ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố họp và giới thiệu 2 ứng cử viên là nữ theo cơ cấu đã được Thường trực HĐND điều chỉnh và Ủy ban MTTQ phường thông báo về cho Tổ về thực hiện quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, khi đưa ra hội nghị cử tri, cử tri lại không tín nhiệm 2 nữ ứng cử viên và Ban công tác Mặt trận dự kiến giới thiệu mà lại giới thiệu 2 ứng cử viên nam, mặc cho Chủ trì hội nghị đã quán triệt đầy đủ các bước, cũng như tỷ lệ bảo đảm ít nhất 35% người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND phường phải là phụ nữ như quy định, 2 ứng cử viên cũng rất xứng đáng, bảo đảm tiêu chuẩn và trình độ.

Lý do mà các cử tri đưa ra là phụ nữ không quyết đoán như nam giới, lại bận con cái, nhà cửa nên để nam giới tham gia mới đại diện được cho tổ, thậm chí có người còn cho rằng “đàn bà biết cái gì mà hội đồng, hội nhôm”, tư tưởng cổ hủ, phong kiến áp đặt và chiếm số đông nên hội nghị cử tri đã phải tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm theo hình thức bỏ phiếu kín. Tuy vậy, kết quả vẫn là không nhất trí 2 ứng cử viên nữ mà Ban Công tác Mặt trận giới thiệu như cơ cấu, khiến cho chủ trì hội nghị cũng không biết ứng xử sao cho phải. Nếu theo quy định áp đặt thì mất dân chủ và cử tri sẽ phản ánh, mà theo cử tri thì không bảo đảm cơ cấu và định hướng… Nhưng số đông đã lựa chọn như vậy, phải tôn trọng cử tri và quyết định theo cử tri. Thực tiễn cũng có không ít địa phương, khi bầu thì số nữ ứng cử viên theo cơ cấu không được lựa chọn cũng khá nhiều. Điều này cũng phản ánh rất rõ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn lẩn khuất khá rõ nét.

Thực tế này cho thấy, ngay từ bước hiệp thương lần thứ nhất đến điều chỉnh cơ cấu, rất cần sự sâu sát quần chúng, nhất là ở cấp xã, để nắm bắt tư tưởng Nhân dân, dòng họ, phong tục tập quán... từ đó mới quyết định cơ cấu, số lượng, thành phần cụ thể. Sau đó, khoanh vùng được nên cơ cấu theo thành phần như thế nào cho phù hợp, tránh cơ cấu nữ mà giới thiệu nam như ở địa phương nọ.

Phân bổ sao cho hợp lý, hợp tình

Để tạo điều kiện cho nữ ứng cử viên, ngoài tập huấn, xây dựng chương trình hành động thì trong phân bổ danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND cần tính đến sao cho hợp lý, hợp tình. Tình và lý ở đây có nghĩa là nếu xác định cơ cấu nữ đại biểu thì không nên đưa nhiều nữ ứng cử viên vào một đơn vị bầu cử mà nên tách ra; hạn chế đưa nữ ứng cử viên đi chung lãnh đạo chủ chốt là nam ở cùng một đơn vị bầu cử, làm như vậy khả năng trúng cử của nữ ứng cử viên sẽ thấp. Việc phân bổ đại biểu thuộc quyền của Ủy ban Bầu cử, tức là trong khả năng Ủy ban Bầu cử có thể điều chỉnh được.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Để xây dựng xã hội chủ nghĩa thì nhất định phải giải phóng phụ nữ. Trong bản di chúc của mình, trước lúc đi xa Người vẫn luôn trăn trở, yêu thương, nâng niu trân trọng dành cho phụ nữ Việt Nam ta: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Để phụ nữ tham chính được, bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 như quy định (phấn đấu tỷ lệ trúng cử khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND) ngoài sự quan tâm, kế hoạch thiết thực của Đảng, Chính phủ thì bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên.

Lê Hồng Hạnh - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh