Theo nguồn tin từ Chinhphu.vn cho biết, ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đã họp triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa; lên phương án truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung bộ vào hệ thống điện quốc gia.
Đây là dự án cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu, bảo đảm tiêu chí N-1 (tiêu chí phục vụ quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống điện đảm bảo khi có sự cố); đặc biệt là bảo đảm truyền tải điện cho miền Bắc luôn trong tình trạng thiếu điện trong những năm tới.
Dự án được triển khai giúp nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc – Trung, kết hợp với các cung đoạn đường dây 500 kV Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku 2 và đường dây 500 kV Thanh Hóa – Nam Định 1 – Phố Nối (Hưng Yên) để khép kín tuyến đường dây 500 kV mạch 3, góp phần tạo mối liên kết mạnh từ trung tâm các nguồn điện.
Dự án có quy mô 2 mạch, dài khoảng 316,7 km, là công trình nhóm A, cấp đặc biệt đi qua 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, địa điểm xây dựng có địa hình phức tạp và chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thời tiết bất lợi. Thời gian thực hiện dự án khoảng 50 tháng kể từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa xét đến rủi ro trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Hiện hồ sơ các dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa đã được Thủ tướng duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Các dự án nhiệt điện, điện tái tạo cũng phải hoàn thành đóng điện năm 2025 để truyền tải công suất từ khu vực Bắc Trung bộ – Bắc bộ nhằm cung cấp kịp thời lượng điện năng cho miền Bắc giai đoạn 2025-2030.
Với thời gian còn lại khoảng 30 tháng, trong khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án chưa được phê duyệt, để thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đang đề xuất các cơ chế phù hợp trình Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua để đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể, Ban kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) thành lập ban chỉ đạo công trình cấp bách để chỉ đạo và hỗ trợ Ban thực hiện dự án.
Trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung kiến nghị UBND các tỉnh có dự án đi qua sớm ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho dự án; chủ trì, hỗ trợ tối đa chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các công việc khác nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án.