Hội nhập mạng thư viện toàn cầu

- Thứ Năm, 23/12/2021, 09:36 - Chia sẻ
Trong xây dựng và phát triển thư viện số, việc tạo lập kho tư liệu số hóa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Giải quyết nhiệm vụ này đòi hỏi các thư viện phải có sự khảo sát, phân tích lập kế hoạch chi tiết. Từ năm 2004, Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã bắt tay nghiên cứu và triển khai xây dựng thư viện số, sau đó từng bước phát triển, kết nối mạng thư viện toàn cầu và đã đạt được những kết quả nhất định.

Xây dựng bộ sưu tập tài nguyên mở

Thời gian qua, Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã kết nối với nhiều thư viện trường đại học khác chia sẻ nguồn tài nguyên thư viện số như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Mỏ Địa chất, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Học viện Nông nghiệp, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Sao đỏ… Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều trường học của Việt Nam phải đóng cửa, chuyển hoạt động giảng dạy và học tập từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Việc không thể đến trường đã gây trở ngại cho giảng viên và sinh viên tiếp cận tài liệu. Nhằm phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu giải trí của giảng viên và sinh viên một cách thuận tiện, hiệu quả, tiết kiệm kinh phí bổ sung, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tiến hành xây dựng bộ sưu tập tài nguyên mở từ tháng 6.2021 theo các chủ đề mà người đọc của trường quan tâm.

Thư viện chú ý khai thác các tài nguyên mở được phát hành, sử dụng giấy phép Creative Commons trên các trang web. Các tài liệu mở được khai thác mới chủ yếu là tài liệu ngoại văn dạng văn bản, do thư viện chưa bổ sung các dạng tài liệu khác như video, hình ảnh, âm thanh...; tổ chức tài liệu mở theo các nhóm ngành đào tạo trong trường.

Đến nay, bộ sưu tập tài liệu mở của Thư viện Tạ Quang Bửu có hơn 1.000 tài liệu thuộc tất cả các ngành đào tạo và các tài liệu tham khảo, thu hút hơn 5.000 lượt truy cập (tính đến 11.2021).

Nguồn: ITN

Hội nhập mạng thư viện toàn cầu OCLC

Do tác động của những yếu tố khách quan như xu thế hội nhập, tốc độ gia tăng nhanh chóng của tài liệu, không đơn vị riêng lẻ nào có đủ khả năng bổ sung tất cả số tài liệu cần thiết cho người dùng. Từ đó dẫn đến nhu cầu tất yếu là hợp tác và chia sẻ tài nguyên để các tổ chức thông tin thư viện có thể tồn tại và phát triển. Một trong số những biện pháp chia sẻ nguồn lực thông tin đang được nhiều trung tâm thông tin và thư viện trên thế giới áp dụng là tham gia Trung tâm Thư viện Máy tính trực tuyến (OCLC).

OCLC (Online Computer Library Center) được thành lập năm 1967, là một tổ chức phi lợi nhuận, với mục tiêu phát triển các dịch vụ, mở rộng khả năng khai thác nguồn lực thông tin toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở đào tạo, giảm chi phí đầu tư cho phát triển nguồn lực thông tin từ đơn vị riêng lẻ. Đến nay đã có trên 70.000 thư viện tại 170 nước sử dụng các dịch vụ OCLC. Được sự đồng ý của Ban giám hiệu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Thư viện Tạ Quang Bửu đã kết nối sử dụng dịch vụ OCLC từ năm 2015.

Cơ sở dữ liệu liên hợp khổng lồ của OCLC phục vụ mục đích hỗ trợ thống nhất biên mục các tài liệu trên thế giới, tiết kiệm công sức, thời gian và kinh phí cho hoạt động xử lý kỹ thuật nghiệp vụ và là công cụ cho cán bộ bổ sung đánh giá và quyết định trong việc chọn lựa có nên đầu tư mua hay không những tài liệu mà mình dự trù bổ sung. Những cơ sở dữ liệu của OCLC còn là cơ sở thông tin hữu hiệu để thực hiện các dịch vụ tham khảo khác.

Việc Thư viện Tạ Quang Bửu là đơn vị đầu tiên của Việt Nam tham gia OCLC rất có ý nghĩa bởi đã gia nhập được ngôi nhà chung của nhiều thư viện trên thế giới. Từ đó, các hoạt động của thư viện cũng có điều kiện cải thiện như: biên mục, dịch vụ phục vụ người đọc, kiểm định... Công việc này đã giúp ích cho Thư viện, cho Trường khi tiến hành kiểm định các chương trình đào tạo.

Hà Linh