Thể hiện quyết tâm chuyển đổi số
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, theo đề nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với WCO đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của WCO, từ ngày 10 - 12.10.2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Việt Nam. Đây là Hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của WCO, với chủ đề của năm 2023 là "Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp".
Đối với Việt Nam, sự kiện là dịp để Việt Nam thể hiện quyết tâm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới chính phủ điện tử, chính phủ số như tinh thần của Chính phủ tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15.6.2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030).
Ngày 10.10 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là ngày Chuyển đổi số quốc gia (từ năm 2022). Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã chọn ngày 10.10.2023 là ngày khai mạc Hội nghị và Triển lãm Công nghệ của WCO năm 2023.
Trong bối cảnh như vậy, việc đăng cai tổ chức một Hội nghị có tính chất toàn cầu về ứng dụng công nghệ mới nổi, mà trọng tâm là chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, máy học, internet vạn vật… mang tính thời sự và phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam trong “ngoại giao công nghệ” nhằm học tập kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, Hội nghị cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế trên toàn thế giới về truyền thống văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh, các địa điểm thăm quan du lịch của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tổng cục Hải quan đã trao đổi với WCO để bố trí một gian hàng giới thiệu về truyền thống văn hóa, danh lam thắng cảnh và các địa điểm du lịch của Hà Nội và Việt Nam do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp thực hiện.
Đối với Hải quan Việt Nam, đây là một sự kiện có quy mô toàn cầu nổi bật thường niên của WCO. Với vai trò là thành viên tích cực tại tổ chức đa phương, việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện sẽ khẳng định sự tiên phong và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ WCO. Đây cũng là lần đầu tiên Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện toàn cầu của WCO có quy mô lớn với sự tham dự của Lãnh đạo WCO và Lãnh đạo Tổng cục Hải quan các nước, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tham dự triển lãm.
Trong lĩnh vực hải quan, yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20.5.2022 với mục tiêu cơ bản hoàn thành hải quan số hải quan thông minh thì việc tiếp cận với công nghệ mới nhất cũng như các thông lệ và bài học kinh nghiệm của Hải quan các nước tại Hội nghị sẽ giúp cho Hải quan Việt Nam có được hướng đi phù hợp trong xu hướng phát triển công nghệ nhanh chóng như hiện nay.
Hội nghị cũng là cơ hội để Hải quan Việt Nam giới thiệu về các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam. Việc đăng cai Hội nghị cũng sẽ mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước.
Đối với Doanh nghiệp Việt Nam, Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới kết nối với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trên toàn cầu.
Hội nghị với 10 phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo chuyên đề
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, sự kiện sẽ có 2 Phần gồm Hội nghị và Triển lãm. Trong đó, Hội nghị được chia thành 10 phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo chuyên đề về các chiến lược công nghệ và ứng dụng để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu; xây dựng hệ thống hải quan có khả năng thích ứng như an ninh mạng; phục hồi sau thảm họa và bảo đảm tính liên tục của hoạt động hải quan trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cơ quan hải quan trong khai thác dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro và tạo thuận lợi thương mại, công nghệ chuỗi khối hỗ trợ hoạt động hải quan… Các phiên thảo luận chuyên đề hướng đến các nội dung như ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo, hải quan xanh, giải pháp kiểm soát hải quan thông minh, bình đẳng giới, bảo vệ dữ liệu, trao đổi dữ liệu.
Các diễn giả được mời tham dự Hội nghị là lãnh đạo, chuyên gia của các tổ chức quốc tế có liên quan tới lĩnh vực hải quan; lãnh đạo, chuyên gia của các Cơ quan Hải quan thành viên của WCO đặc biệt là các cơ quan Hải quan của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Nhật Bản…; lãnh đạo, chuyên gia của các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực giải pháp công nghệ trong hoạt động quản lý hải quan như S2 Global, Leidos, Webb Fontaine; Microsoft, Ultra Global, Crimson Logic PTE Ltd., GUUD International Pte Ltd; GTS...
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn sẽ tham gia với tư cách khách mời tại Phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị dưới hình thức tọa đàm về chủ đề "Chiến lược phía sau công nghệ: Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức toàn cầu". Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ trao đổi về các vấn đề cụ thể như: vai trò của công nghệ trong chia sẻ kiến thức và làm cho nghề hải quan trở nên thu hút đối với thế hệ trẻ; các yếu tố chính cần cân nhắc khi sử dụng công nghệ và những lĩnh vực còn tồn tại khoảng cách nhất định; quản trị dữ liệu trong hải quan và thương mại quốc tế và cách thức xây dựng mô hình hoạt động giúp thu thập và khai thác được dữ liệu từ toàn bộ hệ sinh thái thương mại với sự trợ giúp của công nghệ…
Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng có đại diện tham gia làm diễn giả trình bày tại Hội nghị về việc “Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN”, tập trung vào các nội dung chính như giới thiệu về Cơ chế một cửa ASEAN, quá trình phát triển, lợi ích của Cơ chế một cửa khu vực so với Cơ chế một cửa quốc gia; các lợi ích chính của các chức năng hiện tại của Cơ chế một cửa ASEAN; cách thức Cơ chế một cửa ASEAN giải quyết các vấn đề liên quan đến hài hòa hóa, tiêu chuẩn hóa dữ liệu và bảo đảm tuân thủ với các yêu cầu quốc gia khác nhau; và các kế hoạch triển khai trong tương lai của Cơ chế một cửa ASEAN.
Ngoài ra, Hải quan Việt Nam cũng sẽ tham gia làm điều phối, dẫn dắt Phiên thảo luận chuyên đề về "Hải quan Xanh vì tương lai bền vững: Các giải pháp đổi mới dành cho quản lý thương mại và quản lý biên giới", trong đó đặt ra các vấn đề về kinh tế xanh như logistics xanh, sử dụng bao bì bền vững, chuỗi cung ứng tuần hoàn; các giải pháp để tăng cường hiệu quả kiểm soát về tuân thủ môi trường, ngăn chặn các lô hàng phế liệu; và các giải pháp giảm lượng khí thải carbon trong hoạt động Hải quan.
Về triển lãm, Hội nghị có khoảng 50 gian triển lãm của các doanh nghiệp tài trợ cho Hội nghị và các doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu. Nhà tài trợ của Triển lãm được xếp hạng theo thứ tự: Nhà tài trợ chính (S2 Global); Nhà tài trợ Bạch kim (Accenture, Leidos, Webb Fontaine, Microsoft); Nhà tài trợ Vàng (Cargo X, Cargoes, Crimson Logic, GTS, GUUD International; Nexyte, NucTech, Publican, Rapiscan, Smiths Detection); Nhà tài trợ bạc (Counter Check, Geodis, Net Company).