Thực hiện Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai và Danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp gồm: hộ tịch, công chứng, chứng thực, luật sự, tư vấn pháp luật, con nuôi, trợ giúp pháp lý, hôn nhân và gia đình, thủ tục phá sản... Như vậy, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp lần này sẽ thay thế 3 Nghị định hiện hành là Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; Nghị định số 10/2009/NĐ – CP ngày 6/2/2009 xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản và Nghị định số 87/2001-CP ngày 21/11/2001 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Trong 3 năm thực hiện nghị định số 60/2009/NĐ-CP, Thanh tra Bộ tư pháp, thanh tra các Sở Tư pháp đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp như: công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, hộ tịch, thi hành án dân sự. Như vậy, các hành vi phạm được quy định tại Nghị định số 60/2009/ NĐ-CP gồm 14 lĩnh vực nhưng chỉ có 6/14 lĩnh vực có hành vi vi phạm bị phát hiện và xử phạt. Còn 8/14 lĩnh vực được quy định tại Nghị định này chưa được xử lý gồm: tư vấn pháp luật, lý lịch tư pháp; quốc tịch, phổ biến giáo dục pháp luật; trọng tài thương mại; trợ giúp pháp lý; hợp tác quốc tế về pháp luật, hành vi vi phạm khác.
Về kết quả thực hiện Nghị định số 87/2001/NĐ-CP, theo số liệu thống kê của Thanh tra các Sở Tư pháp cho thấy: trong thời gian qua, chỉ có rất ít các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân nhân và gia đình. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng thể hiện bất cập, Nghị định có 10 điều quy định về hành vi vi phạm và mức xử phạt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thì có 7 điều đã hết hiệu lực vì đã được quy định tại Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, thực chất chỉ còn 3 điều. Trên thực tế, các hành vi này hầu như không bị xử phạt...
Để khắc phục được tình trạng trên, có ý kiến cho rằng ngoài việc tăng cường phổ biến, kiểm tra, giám sát việc chấp hành văn bản pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực tư pháp, hoàn thiện đồng bộ các văn bản trong lĩnh vực tư pháp, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định. Đồng thời, cần phải thực hiện nghiêm túc việc xử phạt các hành vi vi phạm, cần tăng cường mức xử phạt...