Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạch định chính sách của HĐND tỉnh Hòa Bình

- Thứ Năm, 25/04/2013, 08:34 - Chia sẻ
Tham luận của ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH HÒA BÌNH HOÀNG QUANG MINH tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Tư

Bước vào đầu nhiệm kỳ 2011-2016 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XV đã làm tốt công tác xây dựng và ban hành nghị quyết hàng năm. Trong đó, tập trung phân tích, đánh giá và quyết định đưa ra các định hướng, giải pháp đẩy mạnh phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, nhất là các nghị quyết chuyên đề. Do đó, nền kinh tế duy trì được tốc độ phát triển cao và bền vững.

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền quyết định nhiệm vụ phát triển KT-XH còn những hạn chế, đặc biệt là quy trình xây dựng và hoạch định chính sách còn thụ động. Hiệu lực và hiệu quả giám sát đang là khâu yếu trong hoạt động của HĐND. Trọng tâm giám sát nói chung còn phân tán, chưa đi sâu vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống để chỉ ra những thiếu sót, bất cập hoặc phát hiện những nhân tố mới làm cơ sở để HĐND quyết định, điều chỉnh chính sách. Công tác thẩm tra của các ban HĐND đôi khi còn hình thức. Hoạt động chất vấn còn nhiều hạn chế. Việc đôn đốc, kiểm tra các kiến nghị, kết luận sau giám sát, thiếu những biện pháp chế tài cụ thể để xử lý. Vai trò của các cơ quan tham mưu cho HĐND trong quyết định nhiệm vụ phát triển KT- XH, bảo đảm QP-AN chưa kịp thời. Quy trình xây dựng văn bản chính sách, pháp luật và nghị quyết của HĐND chưa thực sự được đổi mới, phần lớn là triển khai từ trên xuống (việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình chuẩn bị nghị quyết về KT-XH chưa được thường xuyên), nhiều lĩnh vực chưa được quan tâm thỏa đáng.

Quá trình hoạch định chính sách và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương cũng còn những tồn tại, hạn chế: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chất lượng và quy mô tăng trưởng chưa bền vững; sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường còn yếu; việc huy động các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế chưa được khai thác tốt. Thiếu quy hoạch chi tiết về phát triển ngành, lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án và giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ còn chậm. Công tác tham mưu trong việc xây dựng cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển KT-XH. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động còn yếu. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa còn nhiều bất cập. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, công tác hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội triển khai thực hiện chưa kịp thời.

Công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, đền bù GPMB, xây dựng khu tái định cư quản lý, giám sát hoạt động của các chủ đầu tư còn có những mặt hạn chế. Năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của chính quyền cơ sở và một số ngành thiếu năng động, sáng tạo.

Những tồn tại, yếu kém trên, nguyên nhân chính do một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự năng động, sáng tạo, chủ động trong các biện pháp, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh phát triển KT-XH. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn khá nặng nề trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND còn hạn chế. Chậm tổng kết đánh giá thực tiễn, chưa kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập từ cơ chế, chính sách và những vấn đề mới, nhân tố mới phát sinh trong thực tiễn để đề xuất các chính sách, biện pháp điều chỉnh, tháo gỡ. Năng lực tham mưu của các ngành chức năng cho cấp ủy Đảng và HĐND trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách, xây dựng các nghị quyết về phát triển KT-XH còn nhiều hạn chế. Trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân và đại biểu HĐND về kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa, hội nhập quốc tế và những vấn đề có tính toàn cầu còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng quyết định các chính sách phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, xin đưa ra một số giải pháp và kiến nghị:

Thứ nhất: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Đặc biệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai: sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của HĐND. Cần có sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng về công tác tổ chức, cán bộ. Đặc biệt là cán bộ làm công tác HĐND, những cán bộ trong quy hoạch phải được đào tạo, bồi dưỡng và phân công, luân chuyển công tác hợp lý và khoa học. Bảo đảm số cấp ủy cần thiết trong cơ cấu tổ chức của HĐND, tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực tham gia làm đại biểu HĐND để thực thi nhiệm vụ đúng với vị thế là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Thứ ba: phát huy vai trò của Thường trực, các ban HĐND với vai trò là hạt nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vận dụng vào quá trình hoạt động của HĐND. Đặc biệt, HĐND cần chủ động đề ra được lộ trình, kế hoạch xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển KT-XH. Có phương thức giám sát hợp lý và khoa học, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập và những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn để tháo gỡ, điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ tư: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tham mưu của các ngành, các cấp chính quyền cho Tỉnh ủy, HĐND trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND.

Thứ năm: nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị kỳ họp, nhất là chất lượng các báo cáo, dự thảo nghị quyết dự kiến trình kỳ họp. Chú trọng tới công tác chỉ đạo, định hướng xây dựng các nghị quyết chuyên đề đối với từng ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất KT-XH trên địa bàn, bảo đảm tính thống nhất, khả thi các quyết sách của HĐND.

Thứ sáu: Quốc hội cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức HĐND theo hướng tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách ở các ban; xác định rõ vai trò của Thường trực HĐND là cơ quan có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND giữa hai kỳ họp và có thẩm quyền trực tiếp quyết định các chính sách phát triển của địa phương. Nghiên cứu, xem xét và ban hành Luật Giám sát của HĐND, đây là công cụ pháp lý quan trọng, là bảo đảm cần thiết để thực hiện tốt chức năng giám sát và nâng cao năng lực quyết định của HĐND.