Trình bày báo cáo đánh giá khái quát công tác văn hóa - văn nghệ, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên Giáo Trung ương Trần Thị Phương Lan nêu rõ, năm 2024 các hoạt động văn hóa, văn nghệ được triển khai theo đúng định hướng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thường xuyên bằng nhiều hình thức phong phú; tiếp tục phát huy ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội, các loại hình báo chí gắn với đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục được nghiên cứu và cụ thể hoá các nội dung bằng nhiều hình thức phù hợp. Công tác quản lý nhà nước về văn hoá, văn nghệ có nhiều chuyển biến tích cực.
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương trong năm 2024 được các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt, có sức lan tỏa và mang lại tính giáo dục cao. Ngành văn hóa từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc triển lãm, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương, Liên hiệp và các Hội đã tập trung rà soát, nghiên cứu thực trạng tổ chức bộ máy để có các phương án đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh giảm bớt đầu mối, sáp nhập các đơn vị, phòng ban chuyên môn, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, mặc dù công tác văn hóa – văn nghệ đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn một số hạn chế như: một số lĩnh vực chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh như lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, văn học…; một số chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi; thủ tục, hướng dẫn triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương theo Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện; việc quản lý, ngăn chặn, xử lý các thông tin, sản phẩm phản văn hóa, phi thẩm mỹ trên không gian mạng chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí đi ngược các giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai đề nghị, năm 2025 các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biển sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng công tác phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong năm 2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng các hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, tập trung các hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng gắn với các hoạt động vui Xuân, đón Tết, các hoạt động văn hoá văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị, cần quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa để các tầng lớp nhân dân đều được thụ hưởng văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, việc tinh gọn và tổ chức bộ máy thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Trung ương.