![]() |
Lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy cải cách tại Hội nghị Trung ương sắp tới |
Nguồn: ZUMA Press |
Hội nghị Trung ương 3 sẽ là Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa 18 kể từ sau tiến trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo đảng hồi cuối năm ngoái. Trong lịch sử, các kỳ Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản cũng thường là dịp để thúc đẩy các cuộc cải cách kinh tế quan trọng.
Tại Hội nghị Trung ương 3 sắp tới, chương trình nghị sự nhiều khả năng sẽ tập trung vào các cuộc cải cách tài chính và thuế, đồng thời giải quyết những vấn đề dai dẳng như tình trạng đô thị hóa vội vàng, thông qua các cuộc cải cách đất đai và tự do hóa hệ thống đăng ký hộ khẩu, hạn chế tình trạng di trú giữa khu vực nông thôn và thành thị. Đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng, các nhóm lợi ích, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có thể ngăn cản các cuộc cải cách khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.
Giáo sư Hứa Bình của trường Đảng Trung ương Trung Quốc nói rằng, một công trình nghiên cứu với chủ đề về các kỳ Hội nghị Trung ương 3 trong ba thập kỷ qua cho thấy, mỗi ban lãnh đạo đều sử dụng kỳ họp này để thúc đẩy cải cách kinh tế. Trong công trình nghiên cứu này, chuyên gia kinh tế Trường Tu Trạch của Viện Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc nhận định, các kỳ Hội nghị Trung ương 3 các khóa 11, 12, 14 và 16 đều đóng vai trò quan trọng trong các cuộc cải cách cơ cấu kinh tế. Những kỳ họp đó đánh dấu điều mà ông gọi là “cải cách cơ cấu 4 giai đoạn”, gồm: giai đoạn khởi đầu, giai đoạn thực hiện, giai đoạn xây dựng khuôn khổ của một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và giai đoạn thực hiện đầy đủ nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Cố lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã tiến hành những cải cách mang tính lịch sử tại Hội nghị Trung ương 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11 vào năm 1978 để giải cứu nền kinh tế Trung Quốc khỏi bờ vực sụp đổ sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa thảm khốc của Mao Trạch Đông. Đến Hội nghị Trung ương 3 khóa 12 năm 1984, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư, nhà cải cách Hồ Diệu Bang đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử là từ bỏ khái niệm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì từ lâu là một nền kinh tế kế hoạch, bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên của cải cách kinh tế đô thị.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 14 năm 1993, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã thông qua khái niệm xây dựng một “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” của Đặng Tiểu Bình, dựa trên ý tưởng mà Đặng Tiểu Bình đã đưa ra trong chuyến công du miền Nam nổi tiếng của nhà lãnh đạo này trước đó.
Còn tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 16 vào năm 2003, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đặt dấu ấn riêng của mình vào lịch sử Trung Quốc khi thúc đẩy thông qua “tư tưởng phát triển khoa học, điều mà các nhà phân tích trong và ngoài nước khi đó đánh giá, nó cho thấy sự quan tâm lớn hơn của Đảng Cộng sản đến tăng trưởng cân bằng và phát triển kinh tế với các khía cạnh xã hội.
Các chuyên gia về lịch sử Đảng của Trung Quốc nhất trí rằng, tính chất cải cách của các kỳ Hội nghị Trung ương 3 của năm 1978 và 1984 có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng kể từ Đại hội 14, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức hóa chế độ chuyển giao quyền lực 10 năm một lần, tức các nhà lãnh đạo sẽ nắm quyền hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Điều này đã trở thành thực tế khiến các kỳ Hội nghị Trung ương 3 thường trở thành dịp để các nhà lãnh đạo mới thúc đẩy một chương trình cải cách lớn mang dấu ấn cá nhân của mình.