Phân quyền, trách nhiệm rõ ràng
“Vấn đề tự chủ đại học giờ ta mới nhìn ở góc độ Hội đồng trường và Hiệu trưởng mà nói cũng chưa hết. Còn hàng loạt vấn đề nữa như cơ chế và bộ máy. Bây giờ nói giao quyền cho Hội đồng trường nhưng Hội đồng trường có bộ máy đâu để hoạt động? Mà không có bộ máy thì làm sao giám sát được Hiệu trưởng? Hiệu trưởng là chủ tài khoản, có hệ thống giáo viên từ khoa xuống, còn Hội đồng trường thì xuân thu nhị kỳ họp 2 lần/năm, cơ chế, tài chính, kế toán không có làm sao giám sát được? Từ bộ máy mới sinh ra nhân sự, biên chế, riêng cái này phải nghiên cứu kỹ chứ không phải cứ đẩy ra rồi cuối cùng làm không được thì rất khó”. PGS. TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ |
Tại Điều 16, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Hội đồng trường được thành lập ở tất cả các trường đại học, học viện công lập. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường bao quát gần như tất cả hoạt động của trường như: Quyết nghị về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, và quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục; Quyết nghị cơ cấu tổ chức, danh mục vị trí việc làm, xác định cơ cấu lao động theo chức danh nghề nghiệp; Quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính; chủ trương mua sắm tài sản, thiết bị hàng năm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển nhà trường…
Dự thảo cũng quy định rõ số lượng thành viên Hội đồng trường, các tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường, nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc… Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc sửa đổi, bổ sung Điều 16 về Hội đồng trường nhằm tạo hành lang pháp lý để Hội đồng trường thực quyền hơn đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, chứ không phải chỉ mang tính hình thức như hiện nay. Các quy định này cũng phù hợp với tự chủ đại học trong bối cảnh thực tiễn hiện nay cũng như những năm tới.
Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Trần Thị Tâm Đan, khi số trường đại học đông như hiện nay thì Hội đồng trường với một số quyền về quản lý nhà nước đã chứng minh đây chính là một thiết chế tại cơ sở. Do đó, cần bổ sung chức năng Hội đồng trường giữ vai trò giám sát việc thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản tại cơ sở.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần sửa và bổ sung một số nội dung làm rõ trách nhiệm của Hội đồng trường, tránh dẫn đến chuyện quyền thì thuộc Hội đồng trường nhưng trách nhiệm thì Hiệu trưởng chịu hết. “Việc phân định trách nhiệm cụ thể nếu có giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng phải đưa vào Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, chứ không thể đưa vào quy chế tổ chức và hoạt động của riêng Hội đồng trường” - PGS.TS Trần Văn Tớp nói.
Nhấn mạnh vai trò Chủ tịch Hội đồng trường
Hầu hết ý kiến đều ủng hộ tăng vai trò của Hội đồng trường. Thế nhưng, PGS.TS Trần Văn Tớp cũng chỉ ra thực trạng, hiện nay, phần lớn các trường đại học, Chủ tịch Hội đồng trường chưa hề tham gia quản lý cấp Ban giám hiệu mà thường chỉ cấp trưởng phòng. Dự thảo Luật cũng quy định chỉ cần có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm hoặc được đào tạo về quản trị đại học là chưa hợp lý. PGS.TS Trần Văn Tớp kiến nghị, Chủ tịch Hội đồng trường phải tham gia quản lý cấp Ban giám hiệu ít nhất 1 nhiệm kỳ trở lên và phải được đào tạo về quản trị đại học. “Trong Dự thảo không quy định tuổi, nhưng dễ áp dụng máy móc theo các văn bản quy định pháp luật, do đó, phải nới độ tuổi của Chủ tịch Hội đồng trường là còn trong biên chế.
Khẳng định Hội đồng trường vận hành theo cơ chế dân chủ, lấy ý kiến đa số, thế nhưng, bà Trần Thị Tâm Đan cho rằng, vẫn cần đưa ra tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng trường. “Tốt nhất, Chủ tịch Hội đồng trường nên là người đã kinh qua chức danh Hiệu trưởng, bởi Chủ tịch Hội đồng trường có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề quản lý… Thực tế, các trường vẫn kêu không có người, nhưng nếu chúng ta bầu Hiệu trưởng từ năm 40 tuổi, sau đó khoảng 50 tuổi đưa lên làm Chủ tịch Hội đồng trường thì Chủ tịch Hội đồng trường sẽ là người có kinh nghiệm, từng trải hơn” - bà Trần Thị Tâm Đan gợi ý.