Đáp: Theo quy định tại Điều 110, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, các Ban của HĐND phối hợp công tác và trao đổi kinh nghiệm hoạt động về những vấn đề có liên quan. Các Ban của HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi các cơ quan này về công tác ở địa phương.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực hoạt động của mình với các Ban tương ứng của HĐND cấp tỉnh.
Ban của HĐND cử thành viên tham gia hoạt động của Thường trực HĐND cùng cấp theo yêu cầu của Thường trực HĐND. UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề mà Ban của HĐND yêu cầu.
Hỏi: Công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của Ban của HĐND được tiến hành như thế nào?
Đáp: Điều 111, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: để chuẩn bị cho việc thẩm tra, Ban của HĐND cử thành viên tham gia nghiên cứu dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án; yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày về vấn đề mà Ban thẩm tra; tổ chức họp lấy ý kiến của những người am hiểu về vấn đề đó; khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án.
Việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án được thực hiện theo trình tự: Đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình bày; đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan phát biểu ý kiến; các thành viên của Ban thảo luận; đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án phát biểu ý kiến nếu thấy cần thiết; Chủ tọa cuộc họp kết luận.
Báo cáo thẩm tra cần đánh giá về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau.