Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Cần Thơ

Bài cuối: Cơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa

- Chủ Nhật, 11/10/2020, 07:11 - Chia sẻ
HĐND thành phố Cần Thơ đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Đây là văn bản có giá trị pháp lý buộc chấp hành đối với các chủ thể được chất vấn. Vì vậy, dự thảo nghị quyết phải được Thường trực HĐND chuẩn bị chặt chẽ, nhất là thể hiện các nội dung người trả lời phải tiếp tục thực hiện, làm cơ sở giám sát sau này; bảo đảm dự báo được tình hình, kết quả của phiên chất vấn, bao quát được nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan được chất vấn và vấn đề đưa ra chất vấn để trình HĐND thông qua tại cuối kỳ họp.

Ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Cần Thơ, chủ tọa đánh giá khái quát, chỉ ra những mặt được, những mặt còn hạn chế và yêu cầu UBND thành phố quan tâm chỉ đạo các ngành có những giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới; đề nghị các ngành chức năng quan tâm thực hiện một số nội dung thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách và thực hiện “lời hứa” với cử tri và đại biểu HĐND thành phố. Đặc biệt, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, làm cơ sở cho công tác giám sát việc thực hiện những nội dung hậu chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Cần Thơ.
Ảnh Trọng Thiện

Trên cơ sở nội dung nghị quyết, trong chương trình giám sát hàng năm của Thường trực, các Ban HĐND thành phố đều có nội dung giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, trong đó có nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, theo từng lĩnh vực phụ trách. Tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố và các đơn vị đã được chất vấn tại kỳ họp trước báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của HĐND thành phố. Đồng thời, rà soát, đối chiếu kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị với nội dung của nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn để yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình thêm để đại biểu HĐND thành phố giám sát hoặc tiếp tục tái chất vấn. Đây là căn cứ đánh giá tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan được chất vấn; đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của ngành đối với HĐND, đại biểu HĐND và nhân dân thành phố.

Giám sát đến khi có kết quả cụ thể

Thực tiễn hoạt động của HĐND thành phố Cần Thơ có thể thấy, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát đặc biệt tại kỳ họp, vấn đề tiên quyết là tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về hoạt động chất vấn. Đối với đại biểu HĐND, Thường trực HĐND, chất vấn không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm trước Nhân dân, trước cử tri. Quá trình giám sát, với trách nhiệm của mình, đại biểu thấy những vấn đề bức xúc, những biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm trước công việc, thiếu nghiêm túc trong tuân thủ pháp luật... phải yêu cầu các cơ quan báo cáo, giải trình rõ. Bên cạnh đó, cần coi hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND là cơ hội phân tích, mổ xẻ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để cùng UBND và các cơ quan tìm giải pháp khắc phục. Qua đó, UBND thông tin làm rõ thực trạng tình hình, những khó khăn phải vượt qua để đại biểu và cử tri cùng chia sẻ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương.

Trên cơ sở đó, công tác chuẩn bị cho hoạt động chất vấn cần phải chủ động thực hiện sớm, việc lựa chọn chủ đề, nội dung chất vấn phải có sự chuẩn bị kỹ, thu thập đầy đủ thông tin từ hoạt động thực tiễn và nhiều kênh khác nhau. Việc đặt câu hỏi chất vấn, yêu cầu giải trình cần đúng trọng tâm, thiết thực, có căn cứ xác đáng, có địa chỉ cụ thể, trách nhiệm rõ ràng, chuẩn bị kỹ càng các tài liệu có liên quan để làm cơ sở vững chắc cho việc tranh luận, truy vấn với tinh thần theo đến cùng vấn đề.

Để phát huy được vai trò “nhạc trưởng”, chủ tọa cần lựa chọn, xác định nhóm vấn đề tập trung chất vấn. Điều hành linh hoạt, chú ý gợi mở các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề tập trung chất vấn để tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, đại biểu đặt ra những vấn đề đang được cử tri quan tâm để thủ trưởng cơ quan chuyên môn làm rõ. Đối với thủ trưởng cơ quan được chất vấn, Chủ tọa cũng yêu cầu trả lời thẳng vào trọng tâm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; giải pháp khắc phục rõ ràng, có lộ trình cụ thể để đại biểu, cử tri giám sát.

Kinh nghiệm cho thấy, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là sản phẩm của trí tuệ tập thể HĐND và là văn bản có giá trị pháp lý mang tính buộc chấp hành đối với các chủ thể được chất vấn. Vì vậy, dự thảo nghị quyết phải được Thường trực HĐND chuẩn bị chặt chẽ, thể hiện đầy đủ nội dung của phiên chất vấn, các nội dung người bị chất vấn phải tiếp tục thực hiện làm cơ sở giám sát sau này; bảo đảm nghị quyết dự báo được tình hình, kết quả của phiên chất vấn, bao quát được nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan được chất vấn và vấn đề đưa ra chất vấn để trình HĐND thông qua tại cuối kỳ họp.

Tuy nhiên, hoạt động chất vấn dù tích cực đến mấy nhưng nếu thiếu sự giám sát việc thực hiện những giải pháp, cam kết đã đưa ra thì khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Do đó, cần tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan để khắc phục các vấn đề tồn tại sau chất vấn. Việc đôn đốc cần được thực hiện bằng văn bản, bằng kiểm tra thực tế và được theo dõi giám sát cho đến khi có kết quả cụ thể. Có như vậy, hoạt động chất vấn mới có hiệu quả thật sự, đáp ứng mong đợi của cử tri cũng như sự quan tâm của đại biểu HĐND.

THANH QUỐC