Hoàn thiện quy định về đại biểu HĐND

- Thứ Ba, 06/10/2020, 06:01 - Chia sẻ
Thực tế đã chứng minh, hiệu quả hoạt động HĐND mỗi cấp, mỗi địa phương phụ thuộc khá lớn vào chất lượng đại biểu, bởi mặc dù áp dụng chung các quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn nhưng hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử lại có sự khác biệt. Trong quá trình thực hiện chủ trương, quy định mới về giảm số lượng đại biểu HĐND, cần nhận diện đầy đủ các bất cập để có những giải pháp cụ thể bảo đảm hiệu quả hoạt động HĐND và phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi đại biểu.

Quy định cụ thể tiêu chuẩn đại biểu chuyên trách

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ, số lượng đại biểu HĐND theo từng đơn vị hành chính đã giảm so với trước; mặt khác có thay đổi quy định về đại biểu chuyên trách theo hướng giảm về số lượng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh - đại biểu chuyên trách là yếu tố quan trọng bảo đảm hiệu quả hoạt động HĐND, nhất là trong xu hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, mở rộng phạm vi, thẩm quyền của HĐND trong ban hành các chính sách, biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phần lớn đại biểu HĐND hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm là lãnh đạo các ngành, địa phương, không đủ quỹ thời gian và bị chi phối bởi các yếu tố khác, ít độc lập khi tham gia các hoạt động HĐND.

Chủ tọa kỳ họp gợi ý một số nội dung trước khi đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Quảng Nam.
Ảnh: Hồng Quân

Để việc giảm đại biểu HĐND không ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và HĐND nói riêng, cần hoàn thiện và bảo đảm tính đồng bộ trong các quy định về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện đối với đại biểu chuyên trách. Phải bảo đảm cơ cấu HĐND tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, không đông nhưng mạnh; giải quyết căn bản, hợp lý mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng. Do vậy, ngoài quy định về tiêu chuẩn của đại biểu HĐND (Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương) cần có những quy định chi tiết, cụ thể hơn về tiêu chuẩn, điều kiện đối với đại biểu chuyên trách, sao cho đại biểu chuyên trách phải hoạt động “chuyên nghiệp”.

Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, cần nghiên cứu, giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu để bầu ra được những đại biểu có năng lực, trình độ, có bản lĩnh, tâm huyết, độc lập trong thực hiện nhiệm vụ. Trong cùng một cơ cấu đại biểu, phải chọn người có trình độ tốt nhất, uy tín nhất. Tại những nơi có điều kiện, cần quan tâm cơ cấu trưởng các ban của HĐND tham gia cấp ủy cùng cấp, tạo điều kiện tốt nhất trong lãnh đạo triển khai các chủ trương, chính sách của cấp ủy Đảng.

Cơ chế để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu

Trên thực tế, nhiều đại biểu được bầu theo cơ cấu dẫn đến việc tham dự nhưng không tham gia nhiều vào nội dung kỳ họp; mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri thường thể hiện chủ yếu qua hoạt động TXCT nhưng chưa thực sự chặt chẽ, chưa có cơ chế để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu. Vai trò của mỗi đại biểu trong phổ biến, giải thích và vận động Nhân dân thực hiện các nghị quyết do HĐND ban hành chưa được thể hiện rõ; hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư chủ yếu mới được thực hiện ở các đại biểu chuyên trách và đại biểu đứng đầu các cơ quan, đơn vị; ngoài đại biểu chuyên trách, rất ít đại biểu thực hiện quyền yêu cầu được cung cấp thông tin trong hoạt động đại biểu. Từ việc đề xuất vấn đề chất vấn đến đặt câu hỏi chất vấn thường chỉ tập trung ở một số đại biểu nhất định. Những hạn chế này có nguyên nhân từ việc thiếu cơ chế để cử tri kiểm soát hoạt động đại biểu.

Theo Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND hoặc cử tri thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu HĐND trong trường hợp “đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”. Tuy nhiên, để thực hiện quy định này cần phải trả lời hàng loạt câu hỏi. Việc quy định cử tri bãi nhiệm đối với đại biểu không đơn thuần là vấn đề pháp lý, thể hiện quyền của cử tri đối với đại biểu do mình bầu ra mà quan trọng hơn đó chính là cơ chế để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu, bảo đảm đại biểu phải gắn bó mật thiết, thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân.

Vì vậy, để phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND, cần kịp thời ban hành quy định việc cử tri bãi nhiệm đại biểu. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy định Thường trực HĐND khóa trước nhận xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu đối với nhân sự được giới thiệu ứng cử đại biểu khóa sau; giao Thường trực HĐND mỗi cấp xây dựng quy định khung đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu không chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu, đáp ứng yêu cầu thực tế và mong đợi của cử tri. Ngoài ra, cần có quy định riêng về tiêu chuẩn khen thưởng đối với đại biểu dân cử (ngoài đại biểu chuyên trách) để động viên, khích lệ đối với hoạt động của đại biểu theo từng năm.

Quy định thống nhất mức chi bảo đảm hoạt động HĐND

Hiện nay, các chế độ, chính sách bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND được áp dụng theo Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chủ yếu là hoạt động phí, bảo hiểm y tế - đối với đại biểu không hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Các nội dung khác như: Kinh phí hoạt động TXCT, giám sát; hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; nghiên cứu; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu do HĐND cấp tỉnh quyết định, dẫn đến tình trạng mỗi địa phương thực hiện một kiểu, tùy thuộc vào khả năng cân đối nguồn lực, thiếu thống nhất trong việc nhìn nhận, đánh giá và giải quyết chế độ chính sách trong hoạt động của đại biểu HĐND.

Do vậy, cần có quy định thống nhất về mức chi bảo đảm hoạt động HĐND áp dụng trên toàn quốc, hoặc Trung ương quy định mức trần để địa phương căn cứ khả năng cân đối ngân sách quyết định mức chi cụ thể phù hợp. Trường hợp thực hiện chủ trương không ban hành chế độ, chính sách ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, cần xem xét các điều kiện khác bảo đảm cho hoạt động của đại biểu như trang thiết bị làm việc, các chính sách hỗ trợ khác.

Dương Thị Thanh Hiền - Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam