Bổ sung quy định nâng chế độ hỗ trợ với nạn nhân buôn người
Theo Tờ trình dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang trình bày, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này trong thời gian tới.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, nội dung của dự thảo luật được sửa đổi bảo đảm tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo luật gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều.
Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia); Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về khái niệm “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, gồm: hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân.
Dự thảo luật cũng bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với Luật hiện hành nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Bảo đảm tính đồng bộ về khái niệm “mua bán người” với quy định của Bộ luật Hình sự
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Ủy ban Tư pháp tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Điều này phù hợp với 3 nhóm chính sách lớn đã được nêu trong Tờ trình số 435/TTr-CP ngày 5.9.2023 của Chính phủ, đó là: hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, các nội dung của dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống mua bán người, Hiến pháp năm 2013; cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn một số quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP)… và các điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam ký kết với các nước như: khái niệm “mua bán người”, khái niệm “nạn nhân”… Đồng thời, rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác của hệ thống pháp luật.
Về khái niệm “mua bán người” (khoản 1 Điều 2), Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo luật và cho rằng, việc bổ sung khái niệm “mua bán người” là một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi này và là cơ sở để đổi mới căn bản về chính sách trong công tác phòng, chống mua bán người. Khái niệm “mua bán người” trong dự thảo luật được mở rộng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 150. Tội mua bán người và Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi).
Ủy ban Tư pháp cho rằng, với tư cách là một đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người, thì việc mở rộng hơn hành vi mua bán người so với quy định của Bộ luật Hình sự là phù hợp. Điều này phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong phòng ngừa và đấu tranh đối với nạn mua bán người, vừa bảo đảm tiệm cận quy định tại các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, giữa quy định của dự thảo luật với Bộ luật Hình sự vẫn còn có điểm chưa đồng bộ, thống nhất. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có phương án bảo đảm sự đồng bộ về khái niệm “mua bán người” giữa luật này với quy định của Bộ luật Hình sự.
Khoản 5 Điều 5 dự thảo luật quy định về chính sách “Bảo vệ và hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, đây là chính sách mới, nhưng tại các điều khoản cụ thể của luật lại không quy định về các trường hợp bảo vệ và hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia công tác phòng, chống mua bán người. Do đó, đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc, những nội dung cơ bản của chính sách; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục mà không quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (như tố tụng hình sự, thuế, doanh nghiệp, ngân hàng…) để bảo đảm chính sách này được thực hiện có hiệu quả trên thực tế.
+ Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.