ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên):

Hoàn thành sớm cao tốc Bắc - Nam để tạo động lực phát triển

- Thứ Năm, 06/01/2022, 20:28 - Chia sẻ
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Tôi thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện mục tiêu “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”. Bên cạnh các vấn đề đã được Báo cáo thẩm tra nêu, tôi đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện một số vấn đề sau:  

Về sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan, tôi nhất trí cần sớm hoàn chỉnh hướng tuyến của Dự án để các địa phương chủ động trong việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội, gắn với các khu đô thị, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, trung tâm logictics... của địa phương. Đặc biệt chú ý tới các yêu cầu bảo đảm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xử lý các khu vực có nền đất yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và tình trạng ngập úng, sạt lở ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ ở duyên hải miền Trung bằng các giải pháp công nghệ thiết kế, thi công tiên tiến nhất.

Về phương án giải phóng mặt bằng; phương án di dân, tái định canh, định cư, qua nghiên cứu Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho thấy, nội dung báo cáo mới đưa ra phương án giải phóng mặt bằng toàn bộ Dự án là 5.481ha, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 14.983 hộ; số hộ phải tái định cư khoảng 11.905 hộ mà chưa nêu rõ phương án di dân, tái định canh, định cư đối với dự án theo quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 21 Luật Đầu tư công. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung giải trình thêm trong báo cáo phương án di dân, tái định canh, định cư. Cần quan tâm, có chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với những hộ dân có đất ở, đất sản xuất bị chia cắt trong quá trình giải phóng mặt bằng (ví dụ: dồn điền đổi thửa...) để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng, tránh chậm trễ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành đối với Dự án.

Về hình thức đầu tưđề nghị không vì những khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 mà chuyển hết cả 12 dự án thành phần sang đầu tư công. Phải tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó vì Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn rất lớn nên cần tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân và đẩy mạnh huy động đầu tư tư nhân, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng như cơ quan thẩm tra đã đề xuất.

Hơn nữa, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã phân bổ vốn cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Dự án này. Do đó, trong trường hợp Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn khác cho các dự án giao thông đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch để không làm ảnh hưởng đến cân đối, giải ngân vốn cho các dự án khác trong kế hoạch, nhất là các tuyến giao thông khu vực Tây Bắc.

Về đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án, Tờ trình chưa nêu thời hạn sử dụng đường cao tốc, trong khi đây là một trong các nội dung quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh tế của Dự án (cùng số tiền đầu tư của 2 dự án có chất lượng như nhau thì dự án nào có thời hạn sử dụng dài hơn là hiệu quả kinh tế cao hơn so với dự án có thời hạn sử dụng ngắn hơn). Do đó, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung nội dung này.

Theo phân tích tại Tờ trình, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện quy trình thủ tục đầu tư cần khoảng 3 năm mới có thể khởi công (quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu...) và cần khoảng 2 - 3 năm nữa để thi công hoàn thành công trình, không đáp ứng được yêu cầu cấp thiết, cấp bách của Dự án. Như vậy khả năng phải đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến, trong khi chúng ta thuyết minh việc chuyển cả 12 dự án thành phần sang đầu tư công là để sớm đầu tư, hoàn thành, nhất là trong 2 năm phục hồi kinh tế 2022 - 2023, rất cần có những dự án hạ tầng lớn để kích thích kinh tế phát triển. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của Dự án để bảo đảm tính khả thi.

H. Lam