Chương trình diễn ra vào 9h ngày 29.7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, sẽ đưa công chúng tới với những ký ức về cố họa sĩ Nguyễn Sáng thông qua những câu chuyện kể của họa sĩ Đặng Thị Khuê - nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh ngày 1.8.1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 1938 ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8.1945 ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12.1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Là một trong bốn “tứ kiệt”: “Nhất Sáng, nhì Nghiêm, tam Liên, tứ Phái”, họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong những người có đóng góp to lớn cho hội họa hiện đại Việt Nam. Ông sử dụng thành thạo nhiều chất liệu hội họa, trong đó có những chất liệu quan trọng như sơn mài, sơn dầu, lụa… Và hầu như ở chất liệu nào ông cũng đều để lại những dấu ấn tài hoa.
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng là sự giao thoa hài hòa giữa nghệ thuật hiện đại thế giới và tinh hoa truyền thống nước nhà, in đậm dấu ấn lịch sử cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Chùa Tháp Phổ Minh, Thiếu nữ bên Hồ Gươm, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi, Thanh niên thành đồng...
Họa sĩ Nguyễn Sáng cũng là người thiết kế con tem bưu chính cách mạng đầu tiên của Việt Nam mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ông được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I, 1996).