1.279 hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Với địa hình chia cắt, độ dốc lớn, tỉnh Hòa Bình thường xuyên phải hứng chịu các đợt thiên tai, bão lũ. Trước thực tế này, nhiều năm qua, việc di dân tái định cư do ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 29 khu tái định cư cho 1.683 hộ dân; trong đó 25 khu tái định cư đã hoàn thành với 1.494 hộ dân đã chuyển đến nơi sinh sống ổn định và 4 khu tái định cư còn dở dang, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho 169 hộ dân bị ảnh hưởng (trong số này, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số).
Trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo rà soát theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục, nhất là đối với những thủ tục liên quan đến đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, liên tục theo quy định. Từ năm 2018 đến nay, các huyện, thành phố đã thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho 220 hộ dân tại khu tái định cư xã Vầy Nưa, Tiền Phong, Mường Chiềng, Đồng Ruộng, Nánh Nghê (huyện Đà Bắc) và xã Tuân Đạo (huyện Lạc Sơn).
Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 1.279 hộ dân đã chuyển đến sinh sống ổn định tại 25 khu tái định cư nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 50 hộ dân thuộc khu tái định cư di dân vùng sạt lở 2 xã Tân Mai và Phúc Sạn (nay là xã Sơn Thủy), huyện Mai Châu, xã Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy) trước năm 2018 đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa kể, có các hộ dân thuộc diện di dân tái định cư nhưng chưa được bố trí đất ở.
Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng chưa phù hợp với thực tế cơ sở và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân xen ghép còn khó khăn. Trong khi đó, chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 chưa có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ đã được bố trí ổn định dân cư nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện mục tiêu chung về xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực tế, những khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các khu tái định cư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XV. Tại thời điểm đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Toàn đã khẳng định: nếu bảo đảm kinh phí đo đạc và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương thì các hộ dân trong khu tái định cư đã được đo đạc sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2023 và trên 500 hộ dân sẽ cơ bản được thực hiện trong năm 2024.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào vùng tái định cư, tại buổi giám sát của Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số di dân tái định cư và định canh, định cư trên địa bàn, Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Bùi Tiến Lực đề nghị: UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính chính quy, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đăng ký đất đai. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về thu hồi, giao đất để huyện sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 50 hộ dân thuộc khu tái định cư di dân vùng sạt lở 2 xã Tân Mai và Phúc Sạn (huyện Mai Châu), xã Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy). Đặc biệt, UBND tỉnh cần chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát hoàn thiện hồ sơ, thủ tục sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.279 hộ dân thuộc khu tái định cư trên địa bàn tỉnh, đáp ứng sự mong đợi của các đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri, nhân dân toàn tỉnh.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết những khó khăn vướng mắc để đồng bào dân tộc thiểu số di dân tái định cư và định canh, định cư sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, qua đó ổn định cuộc sống. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực thi nhiệm vụ để người dân không phải đi lại nhiều lần, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Với các huyện, thành phố, cần rà soát và hoàn thiện việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai và bổ sung quy hoạch đất tái định cư...